Bộ Ngoại giao cần phát huy vai trò tiên phong trong nhiệm vụ đối ngoại

PTT Trần Lưu Quang nhấn mạnh Bộ Ngoại giao phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm việc với Bộ Ngoại giao. (Nguồn: VGP)

Chiều 31/1, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với Bộ Ngoại giao về việc triển khai công tác đối ngoại trong năm 2023.

Tham dự buổi làm việc có Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết quả thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại năm 2022.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết toàn ngành ngoại giao dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và sự điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thử thách, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đối ngoại trong các lĩnh vực ngoại giao song phương, đa phương, ngoại giao kinh tế, biên giới lãnh thổ, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, bảo hộ công dân và đạt nhiều kết quả tích cực.

[Nhìn lại những dấu ấn nổi bật của đối ngoại đa phương năm 2022]

Để đáp ứng yêu cầu công tác đối ngoại và ngoại giao ngày càng nặng nề trong giai đoạn phát triển mới của đất nước cũng như của ngành ngoại giao, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định Bộ Ngoại giao quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, trong đó, trọng tâm là triển khai đồng bộ cả nhiệm vụ đối ngoại và xây dựng, phát triển ngành; quán triệt sâu sắc tinh thần phục vụ, trước hết là phụng sự Đảng, Nhà nước, vì lợi ích quốc gia-dân tộc, phục vụ các ban, bộ, ngành, địa phương, nhân dân và doanh nghiệp trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Bộ Ngoại giao xác định phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; đổi mới mạnh mẽ phong cách, lề lối làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; giữ nghiêm kỷ cương hành chính, lãnh đạo, chỉ đạo đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; rà soát, hoàn thiện quy chế, quy trình công tác, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số…

Bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Bộ Ngoại giao cùng các ngành, các cấp tập trung xây dựng, hoàn thiện và triển khai các đề án chiến lược, chương trình, kế hoạch quan trọng về đối ngoại; thực hiện tốt chương trình đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao và các cấp trong năm 2023; tiếp tục triển khai, cụ thể hóa Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Bộ Ngoại giao triển khai tốt Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về công tác Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, trong đó chú trọng đổi mới phương thức, biện pháp triển khai ngoại giao kinh tế; giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược để đáp ứng nhu cầu của tình hình mới, không để đất nước bị động, bất ngờ về đối ngoại.

Bộ Ngoại giao tiếp tục triển khai công tác người Việt Nam ở nước ngoài, triển khai mạnh mẽ và hiệu quả bảo hộ công dân; tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức công tác thông tin, truyền thông đối ngoại và ngoại giao văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; đẩy mạnh xây dựng ngành ngoại giao trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang gửi lời chúc mừng Năm mới tốt đẹp đến tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Bộ Ngoại giao; khẳng định ngành Ngoại giao có truyền thống vẻ vang, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những nỗ lực, thành tựu to lớn của công tác đối ngoại nói chung và của ngành Ngoại giao nói riêng thời gian qua; trong đó đã triển khai tích cực, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống và các đối tác quan trọng khác, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội và nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Nhận định về tình hình thế giới và khu vực thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh thế giới tiếp tục trải qua những biến động sâu sắc, phức tạp; tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, thách thức, cũng có nhiều cơ hội, thuận lợi. Bộ Ngoại giao cần chủ động, tích cực hơn nữa tham mưu kịp thời cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, biện pháp và bước đi đối ngoại phù hợp để tranh thủ tối đa cơ hội, thuận lợi phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phát huy truyền thống ngoại giao vẻ vang và các thành tựu đã đạt được, bám sát đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc năm 2021, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ đối ngoại, trong đó giữ vững hòa bình, ổn định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; phục vụ phát triển đất nước là nhiệm vụ trung tâm; nâng cao vị thế và uy tín đất nước là nhiệm vụ quan trọng.

Trên cơ sở những định hướng lớn đó, Bộ Ngoại giao cần tập trung thực hiện tốt chương trình đối ngoại cấp cao và các cấp; tiếp tục chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện và hiệu quả; củng cố vững chắc hơn nữa biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị và phát triển; tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các nguồn lực bên ngoài và các hiệp định, thỏa thuận quốc tế đã ký kết nhằm phục vụ phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực và tham gia hiệu quả tại các diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, qua đó nâng cao hơn nữa vị thế, uy tín đất nước…

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc Bộ Ngoại giao chủ động xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030; nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong ngành; chủ động, tích cực tham mưu các chính sách, biện pháp đầu tư phát triển, cải thiện cơ sở vật chất ngành Ngoại giao theo hướng từng bước hiện đại, đồng bộ; chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại, trong đó tham mưu cơ chế, chính sách đối với cán bộ ngoại giao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới./.

(TTXVN/Vietnam+)