Bộ Ngoại giao: Báo cáo nhân quyền của EU nhận định thiếu khách quan về Việt Nam
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
"Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) mặc dù đã phản ánh một số thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người nhưng đáng tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin sai lệch và không phản ánh đúng tình hình thực tế ở Việt Nam."
Đó là khẳng định của bà Phạm Thu Hằng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, khi trả lời trả lời câu hỏi của phóng viên về Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) có nội dung phản ánh tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Chiều 6/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về Báo cáo thường niên về nhân quyền và dân chủ trên thế giới năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) có nội dung phản ánh tình nhân quyền của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ:
"Như đã nhiều lần khẳng định, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam," bà Phạm Thu Hằng phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 6/6.
Theo Người Phát ngôn, Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và của công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Việt Nam luôn nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống và quyền thụ hưởng của người dân.
Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận ở Hiến pháp và pháp luật, được bảo đảm tôn trọng trên thực tế.
Các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi và đánh giá cao. Quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đang phát triển hết sức tốt đẹp.
Việt Nam sẵn sàng trao đổi cởi mở và thẳng thắn, hợp tác với EU trong vấn đề quyền con người trên tinh thần cởi mở và tôn trọng nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua cơ chế đối thoại thường niên và các khuôn khổ trao đổi song phương khác.
“Chúng tôi cho rằng việc tăng cường trao đổi và đối thoại thông qua các cơ chế hợp tác hiện có sẽ giúp cho EU sẽ có đầy đủ thông thông tin khách quan và hiểu đúng hơn về tình hình thực tế việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; thông qua đó cũng góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam và EU,” bà Phạm Thu Hằng nói./.