Bộ GTVT đã giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng vốn đầu tư công trong quý 1
Bộ Giao thông Vận tải các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không được chủ quan, cần tiếp tục giải ngân vốn đầu tư công và coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam vẫn chiếm phần lớn số vốn đầu tư mà Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân trong quý 1 đầu năm nay.
Tại Hội nghị giao ban công tác quý 1 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý 2/2024 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 1/4, theo báo cáo của Vụ Kế hoạch-Đầu tư, tổng số kế hoạch vốn năm 2024 Bộ này được Thủ tướng Chính phủ giao 56.666 tỷ đồng. Ước đến hết tháng 3/2024, Bộ Giao thông Vận tải giải ngân khoảng 10.700 tỷ đồng (đạt khoảng 19,2%), cao hơn cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ năm 2023, giải ngân đạt khoảng 17%).
“Công tác giải ngân ba tháng đầu năm cơ bản đáp ứng kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký (đạt khoảng 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký),” lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá.
Đặc biệt, giá trị giải ngân ba tháng đầu năm tập trung ở các Dự án Cao tốc Bắc-Nam với giá trị 6.773 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng khoảng 65% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông Vận tải).
Cụ thể, các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 giải ngân 1.200/5.476 tỷ đồng, đạt 21,9% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt 89% kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng); trong đó có 3 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm đoạn đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt (Ban Quản lý dự án 6) giải ngân đạt 58%; đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu (Ban Quản lý dự án 6) đạt 78%; Cầu Mỹ Thuận 2 (Ban Quản lý dự án 7) đạt 77%.
Các Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 giải ngân 5.573/29.036 tỷ đồng, đạt 19,2% kế hoạch năm. Tiến độ giải ngân đáp ứng yêu cầu (đạt 102% kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng), tuy nhiên vẫn có 2 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm Hoài Nhơn-Quy Nhơn (Ban Quản lý dự án 85) giải ngân đạt 63%; đoạn Chí Thạnh-Vân Phong (Ban Quản lý dự án 7) đạt 73%.
Với các dự án ODA đã giải ngân 665/5.178 tỷ đồng, đạt 12,9% kế hoạch năm, lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư đánh giá tiến độ giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu (đạt 91% kế hoạch do các chủ đầu tư xây dựng). Tuy nhiên, có 2 dự án tiến độ giải ngân chậm so với kế hoạch gồm Dự án tuyến đường sắt Khe Nét (Ban Quản lý dự án đường sắt) giải ngân đạt 34%; Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC) giải ngân đạt 42% so với kế hoạch.
Đối với các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có 3 đơn vị có tỷ lệ giải ngân thấp dưới mức trung bình gồm Ban Quản lý dự án 85 (15%), Ban Quản lý dự án 2 (16%) và Cục Đường bộ Việt Nam (16%).
Theo kế hoạch các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đăng ký tháng 4/2024, ước giải ngân khoảng 4.900 tỷ đồng, trong đó có các Ban Quản lý dự án đăng ký kế hoạch giải ngân lớn, cần tập trung chỉ đạo thực hiện gồm: Ban Quản lý dự án 85 là 864 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án 7 là 802 tỷ đồng, Ban Quản lý dự án 6 là 824 tỷ đồng.
Mặc dù số vốn giải ngân năm nay ít hơn so với năm 2023 (tương đương số vốn được bố trí năm 2022), lãnh đạo Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án không được chủ quan, cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần nghiêm túc tập trung chỉ đạo.
Đối với các dự án chuẩn bị đầu tư, Vụ Kế hoạch-Đầu tư yêu cầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới, đặc biệt các dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022, hoàn thành trong tháng 4/2024 để kịp thời trình Quốc hội giao trung hạn trong kỳ họp tháng 5/2024, gồm các dự án: Chợ Mới-Bắc Kạn; tuyến nối cao tốc Nội Bài-Lào Cao với Cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ; cầu, hầm trên Quốc lộ 1; Quốc lộ 24B; Cao Bồ-Mai Sơn; Cầu đường sắt Cẩm Lý.
Vụ Kế hoạch-Đầu tư cũng yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thẩm định thiết kế, đấu thầu để sớm khởi công các dự án bảo đảm giải ngân hết nguồn vốn đã bố trí. Trong đó, quý 2 khởi công 4 dự án: Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên-Việt Trì; Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn; Quốc lộ 46 đoạn thành phố Vinh-Nam Đàn, Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; trong tháng Tư này sẽ khởi công dự án Chợ Chu-Ngã ba Trung Sơn.
Ngoài việc tập trung, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đảm bảo chất lượng, tiến độ, Vụ Kế hoạch-Đầu tư đề nghị các Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lương theo đúng quy định; chủ động rà soát báo cáo Bộ Giao thông Vận tải kịp thời điều chuyển linh hoạt vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cao tốc, trọng điểm, kết nối vùng và các dự án phải hoàn thành trong năm 2024./.