Bộ GD-ĐT sẽ thí điểm quản lý các giáo viên tự do, ngoài hệ thống của ngành
Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ thí điểm quản lý các cá nhân tham gia đào tạo nhưng không thuộc cơ sở giáo dục để có cơ sở khoa học và thực tiễn trước khi luật hóa.
Ban soạn thảo dự án Luật Nhà giáo dự kiến sẽ đề xuất thí điểm quản lý đối với các đối tượng không đang công tác trong các cơ sở giáo dục nhưng có tổ chức hoạt động đào tạo.
Đây là chia sẻ của ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Quản lý cán bộ giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo ông Đức, hiện có rất nhiều người tự nhận là nhà giáo, tổ chức các khóa đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, ban soạn thảo đã có đề cập đến vấn đề này.
“Tuy nhiên, đối tượng này khá phức tạp và biến đổi rất nhanh, đặc biệt là việc đạo tạo trực tuyến, nếu quy định việc quản lý nhóm đối tượng này ngay trong Luật Nhà giáo sẽ rất khó vì chưa có đủ cơ sở khoa học cơ sở thực tiễn. Ban soạn thảo Luật Nhà giáo dự kiến sẽ đề xuất thí điểm quản lý một số đối tượng này, từ đó rút kinh nghiệm và có thể đưa vào Luật Nhà giáo khi điều chỉnh luật,” ông Đức nói.
Một trong những điểm mới đáng lưu ý của dự thảo Luật Nhà giáo là Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên đặt ra yêu cầu về giáo viên phải chứng chỉ hành nghề nhằm đảm bảo việc chuẩn hóa đội ngũ này. Chứng chỉ hành nghề cho giáo viên sẽ là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp cho những người đạt tiêu chuẩn theo quy định. Các giáo viên đang dạy trong các cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập trước ngày Luật Nhà giáo có hiệu lực sẽ được cấp chứng chỉ không qua sát hạch. Các trường hợp còn lại sẽ phải thi sát hạch để được cấp chứng chỉ.
Theo ông Đức, về nguyên tắc, nếu các cá nhân đang tham gia các hoạt động đào tạo không thuộc các cơ sở giáo dục nếu có nhu cầu và đáp ứng các yêu cầu vẫn có thể tham gia thi sát hạch để được cấp chứng chỉ hành nghề./.