Bộ GD-ĐT dự kiến điều chỉnh tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa
Theo định mới, người biên soạn sách giáo khoa phải có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.
Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo thảo sửa Điều 11 quy định về tiêu chuẩn cá nhân biên soạn sách giáo khoa theo hướng chặt chẽ hơn về yêu cầu chuyên môn nhưng nới lỏng hơn về vị trí, vai trò.
Cụ thể, về yêu cầu chuyên môn, dự thảo mới quy định người biên soạn sách giáo khoa không chỉ “có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được biên soạn” như thông tư cũ mà chặt chẽ hơn: “Người biên soạn sách giáo khoa có trình độ được đào tạo từ đại học trở lên theo chuyên ngành phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn; am hiểu về khoa học giáo dục; có ít nhất 3 năm trực tiếp giảng dạy hoặc nghiên cứu về chuyên môn phù hợp với môn học, hoạt động giáo dục có sách giáo khoa được biên soạn.”
Tuy nhiên, dự thảo thông tư mới bỏ quy định “người tham gia biên soạn sách giáo khoa không tham gia thẩm định sách giáo khoa”.
Dự thảo cũng bổ sung khoản 4, Điều 13 quy định về tiêu chuẩn thành viên Hội đồng: “Không biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa hoặc tổ chức việc biên soạn, biên tập, chế bản, góp ý bản mẫu sách giáo khoa của tổ chức, cá nhân đề nghị thẩm định sách giáo khoa”.
Dự thảo bổ sung khoản 3 Điều 17 quy định về hồ sơ đề nghị thẩm định sách giáo khoa được chỉnh sửa. Theo đó, hồ sơ bao gồm: Đơn đề nghị thẩm định sách giáo khoa chỉnh sửa theo mẫu quy; bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định; thuyết minh về bản mẫu sách giáo khoa đề nghị thẩm định, bao gồm: tên sách giáo khoa; các nội dung đã chỉnh sửa kèm theo lí do chỉnh sửa; quá trình và kết quả thực nghiệm (nếu có); các thông tin liên quan khác (nếu có); lý lịch khoa học của tổng chủ biên, chủ biên, tác giả, biên tập viên được bổ sung (nếu có)./.