Bộ GD-ĐT: Cả nước có gần 700 vụ bạo lực học đường trong hai năm qua
Trong hai năm qua, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến hơn 2.000 học sinh. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường.
Đây là thông tin vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tại Quốc hội chiều nay, 7/11, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng, Đoàn Đai biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam về giải pháp căn cơ giải quyết bạo lực học đường gia tăng trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, số vụ bạo lực có nhiều học sinh tham gia và số học sinh nữ tham gia bạo lực học đường nhiều hơn, xảy ra cả trong và nhiều trường học là vấn đề ngành giáo dục rất quan tâm, lo lắng, tìm mọi cách cùng cả nước và các địa phương để xử lý.
[Hà Nội: Khẩn trương giải quyết vụ nam sinh bị bạo lực tại trường]
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong trường học, trách nhiệm trong việc xử lý các tình huống liên quan đến bạo lực học đường vẫn giao cho giáo viên kiêm nhiệm các trong thực tế, kỹ năng xử lý của các giáo viên và lãnh đạo các trường vẫn còn lúng túng. Mặt khác, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, học sinh học online lâu cũng để lại vấn đề tâm lý. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân do là tâm lý lứa tuổi học đường.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao cho thấy hàng năm có 220.000 vụ ly hôn, trong đó có 70-80% do bạo lực gia đình. Học sinh trong các gia đình này vừa là đối tượng của bạo lực, chứng kiến bạo lực, hoặc bị bỏ rơi. Theo thống kê, số học sinh có bối cảnh gia đình bạo lực liên quan đến bạo lực học đường có tỷ lệ rất lớn.
“Vì vậy, việc giải quyết vấn đề bạo lực gia đình rất quan trọng,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những vấn đề trên còn sự ảnh hưởng của mạng xã hội, của phim ảnh, nhất là các phim quốc tế mà giới trẻ quan tâm thì mô típ bạo lực tập thể quay lên mạng rất phổ biến.
“Mong các ngành liên quan hỗ trợ ngành giáo dục giải quyết vấn đề này,” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nói.
Bên cạnh vấn đề bạo lực học đường, vấn đề lương cho giáo viên, giáo viên nghỉ việc cũng là thực trạng được các đại biểu đặt câu hỏi. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay đây cũng là vấn đề lớn của ngành. Chính phủ cũng rất thấu hiểu điều này đang tìm cách để tháo gỡ, nâng cao đời sống cho giáo viên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh về có nên thay đổi việc thi tốt nghiệp ở bậc trung học phổ thông hay không, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong phạm vi của giáo dục phổ thông và kết thúc 12 năm giáo dục phổ thông có một kỳ thi tốt nghiệp là cần thiết và điều này cũng đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục 2019. Kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông có mục đích và bản chất là để tốt nghiệp phổ thông. Tuy nhiên, trong thực tế, kết quả thi còn dùng cho việc đánh giá kết quả học tập của học sinh các địa phương trên cả nước. Bên cạnh đó, đây cũng là căn cứ để các trường đại học có thể sử dụng cho việc tuyển sinh đại học.
“Với một số mục đích như vậy, cho nên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vẫn đang được tổ chức và tiếp tục tổ chức trong những năm tới,” Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Về câu hỏi của đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh về Nghị định 116 về đặt hàng đào tạo giáo viên đang bộc lộ một số điểm vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đặt hàng của các địa phương cũng như việc đấu thầu của các trường đại học và một vài vướng mắc khác, Bộ trưởng Bộ Giao dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay bộ đã sớm nhận thấy các vướng mắc trong nghị định này và đã đề xuất Chính phủ cho phép sửa chữa, điều chỉnh Nghị định 116.
Hiện nghị định này đã được công bố để lấy ý kiến đóng góp và đang trong giai đoạn hoàn tất để có thể ban hành trong thời gian sớm nhất sắp tới./.