Bộ Công Thương: Làm tốt công tác chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực cho phát triển
Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế.
Phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, chiến lược nhằm tích lũy, gia tăng tiềm lực quốc gia để chuẩn bị đưa đất nước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đây là tư tưởng, quan điểm chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Tô Lâm để hướng đến thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao."
Nội dung trên một lần nữa được nhấn mạnh tại Diễn đàn: “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển,” do Báo Công Thương tổ chức ngày 23/12, tại Hà Nội.
Xóa bỏ các “điểm nghẽn” về thể chế
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về triển khai ngay các công tác trọng tâm, đột phá về phòng, chống lãng phí, tạo dấu ấn lan tỏa trong toàn xã hội; Công văn số 168-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực về sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt phòng chống lãng phí, tháo gỡ các điểm nghẽn cơ chế, chính sách, hằng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng theo Thứ trưởng, ngành Công Thương chiếm tỷ trọng rất lớn của nền kinh tế. Nếu ngành Công Thương làm tốt nhiệm vụ tiết kiệm, chống lãng phí sẽ tạo nguồn lực khơi thông cho phát triển kinh tế đất nước.
Hàng năm, Bộ Công Thương đều ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó chỉ đạo các đơn vị trong bộ, doanh nghiệp trong ngành quán triệt và triển khai thực hiện, đồng thời đẩy mạnh truyền thông nâng cao ý thức của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong công tác tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Đặc biệt, năm 2024, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp kịp thời, hiệu quả của các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương, ngành Công Thương đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác.
Nổi bật như, đã tạo được sự đột phá trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp; tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách Trung tâm điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0) ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, giúp khai thông các điểm nghẽn, tránh lãng phí nguồn lực xã hội, đồng thời mở ra cơ hội huy động các nguồn lực đầu tư của xã hội.
“Năm 2024, Bộ cũng đã chủ động, quyết liệt “tinh, gọn, mạnh” bộ máy theo tinh thần tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất tinh giản gần 18% số đầu mối đơn vị thuộc Bộ và tinh gọn mạnh bộ máy hoạt động từ bên trong,” Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ.
Theo đánh giá của các chuyên gia, một số dạng thức của lãng phí đang nổi lên gay gắt hiện nay là: “Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn dẫn đến khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt…
Vì vậy, để “chống lãng phí,” khơi thông nguồn lực cho sự phát triển, Bộ Công Thương đã và đang tập trung mạnh cho việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính…
Ông Ngô Đức Minh, Vụ trưởng, Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) thông tin, trong giai đoạn từ ngày 01/1/2021 đến ngày 1/9/2024, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền 156 văn bản gồm 05 Luật (Luật Dầu khí, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, đề nghị xây dựng Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả), 20 Nghị định của Chính phủ, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 128 Thông tư (dự kiến đến hết năm 2024, con số này tiếp tục tăng cao hơn nữa).
Đặc biệt trong năm 2024, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong ngành Công Thương đã được triển khai mức độ quyết liệt chưa có tiền lệ, với hàng loạt cơ chế, chính sách lớn, đột phá, mang tầm nhìn chiến lược, dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Bộ Công Thương cũng tập trung rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, không để phát sinh thủ tục, quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật mới không cần thiết, không phù hợp, thiếu tính khả thi; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các đơn vị hành chính trong Bộ, đồng thời tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị về nâng cao chất lượng phục vụ trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua việc sử dụng hiệu quả Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp.
“Bộ thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn và chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật,” đại diện Vụ Pháp chế cho hay.
Khơi thông nguồn lực cho phát triển
Theo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương đặt ra yêu cầu phải tăng cường ý thức trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các Tổng công ty, Công ty, các đơn vị hành chính, sự nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức thuộc Bộ; xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các đơn vị; xử lý nghiêm các hành vi gây ra thất thoát lãng phí; làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, cá nhân, cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Cụ thể, trong năm 2021, Bộ Công Thương đã ban hành: 10 Chỉ thị, 06 Quyết định và nhiều văn bản liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Năm 2021, chi công tác phí tiết kiệm 4,5 tỷ đồng, 1,2 tỷ chi phí hội thảo, 1 tỷ đồng tiền khánh tiết, lễ hội, văn phòng phẩm, thông tin liên lạc 1,7 tỷ đồng. Các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; Tổng công ty và công ty cổ phần nhà nước nắm giữ trên 50% vốn do Bộ Công Thương là đại diện chủ sở hữu tiết kiệm tới 10,9 tỷ đồng.
Đến năm 2022, tại các tổng công ty đã tiết kiệm chi phí quản lý tới 290,479 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong 2023, Văn phòng Bộ tiết kiệm chi ngân sách nhà nước lên tới 13,190 tỷ đồng (10,66% kinh phí giao). Cùng với đó, các tổng công ty tiết kiệm chi phí quản lý lên tới 765,901 tỷ đồng. Trên cơ sở tổng hợp dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023 của các đơn vị, Bộ Công Thương đã chủ động cắt giảm khi xây dựng dự toán của Bộ Công Thương như: tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên.
Chia sẻ kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án đường dây 500kV, mạch 3, ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia cho hay việc đẩy nhanh tiến độ dự án này đã mang lại nhiều hiệu quả và kết quả rõ rệt, đặc biệt là trong việc tiết kiệm, chống lãng phí nguồn điện và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.
Các hiệu quả có thể được nhìn nhận qua một số khía cạnh chính như: giảm tải cho các tuyến đường dây hiện tại, cụ thể, trước khi mạch 3 được triển khai, các tuyến đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2 thường xuyên phải hoạt động hết công suất, dẫn đến tình trạng quá tải và không thể truyền tải hết nguồn điện, đặc biệt là trong các giờ cao điểm. Việc đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp phân bổ lại tải giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải, giảm tổn thất điện năng và nâng cao hiệu quả truyền tải.
Hơn nữa, dự án này cũng tăng cường khả năng truyền tải nguồn điện lớn. Cụ thể, trong đó các nhà máy điện (đặc biệt là các nhà máy năng lượng tái tạo ở miền Trung, miền Nam) có công suất cao, giá thành rẻ, tuy nhiên, trong trường hợp thiếu đường truyền tải, phần điện này có thể bị lãng phí vì không thể chuyển đến các khu vực tiêu thụ. Do vậy, đẩy nhanh tiến độ đường dây 500kV mạch 3 giúp truyền tải điện hiệu quả hơn, giảm tình trạng thừa điện không được sử dụng, đặc biệt trong các tháng cao điểm mùa khô hoặc mùa mưa bão.
Mặt khác, các nguồn điện tái tạo, đặc biệt là điện Mặt Trời và điện gió, có tính không ổn định và phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường dây 500kV mạch 3 giúp giảm lãng phí nguồn điện này bằng cách truyền tải kịp thời và hiệu quả đến các khu vực có nhu cầu sử dụng điện.
Hơn nữa, việc đẩy nhanh dự án mạch 3 cũng giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn phát điện đắt đỏ như điện dầu hoặc điện than từ đó giảm chi phí cho hệ thống và bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Hải, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng nêu nhiều ưu điểm nổi bật khi xây dựng kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub).
Theo đó, về mặt thương mại, việc xây dựng kho cảng LNG trung tâm sẽ tạo thuận lợi trong việc mua các hợp động cung cấp LNG dài hạn với khối lượng ổn định và giá cả cạnh tranh. Hơn nữa, việc phát triển mô hình khí cảng LNG trung tâm công suất lớn sẽ cho hiệu quả kinh tế hơn so với mô hình kho LNG riêng lẻ, phân tán, công suất nhỏ.
Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới mà bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với những thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tình hình kinh tế-chính trị thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, các xung đột giữa các nền kinh tế lớn trong các vấn đề về kinh tế, thương mại... đang diễn ra với nhiều chiều hướng khác nhau.
Do đó, việc khắc phục các điểm nghẽn, cải thiện môi trường kinh tế vĩ mô, tận dụng thời cơ nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới, đột phá mới để lĩnh vực thương mại trong nước bứt tốc và phát triển các năm tới có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất trong thời gian tới, cần tập trung một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp như: tăng cường giáo dục nhận thức về phòng, chống lãng phí trong hoạt động quản lý, kinh doanh lĩnh vực thương mại trong nước.
Bên cạnh đó, rà soát và đồng bộ hoá chính sách về phát triển thương mại trong nước: rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đặc biệt, tập trung sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung pháp lý, các quy phạm pháp luật trực tiếp điều chỉnh hoạt động thương mại trong nước theo hướng đồng bộ, tương thích với các luật, quy phạm pháp luật chuyên ngành khác đã được sửa đổi, đồng thời đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo thêm thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.
“Trong kỷ nguyên mới, lĩnh vực thương mại trong nước đang đứng trước những thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội. Việc phòng chống lãng phí, tháo gỡ điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực không chỉ là nền tảng cho sự phát triển bền vững, mà còn đánh dấu bước chuyển mình đột phá của nền kinh tế quốc gia,” đại diện Vụ Thị trường trong nước kiến nghị thêm./.