Bình Dương: Xúc động Lễ truy điệu, an táng hài cốt các liệt sỹ
Tại Lễ viếng, các đại biểu dâng hương, đặt vòng hoa, dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ và làm lễ truy điệu, an táng các hài cốt liệt sỹ an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bình Dương.
Nhằm thể hiện sự tri ân, tôn kính, ghi nhớ sâu sắc công lao các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và các gia đình liệt sỹ, ngày 26/4, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ truy điệu hài cốt liệt sỹ đã tìm kiếm, quy tập được tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh.
Tham dự Lễ truy điệu có, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, lãnh đạo tỉnh Bình Dương và thân nhân các anh hùng liệt sỹ...
Tại Lễ viếng, các đại biểu đã dâng hương, đặt vòng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ và làm lễ truy điệu, an táng các hài cốt liệt sỹ an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Bình Dương.
Trước đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Dương đã phát hiện, quy tập được 20 hài cốt liệt sỹ, 20 bình tông, 17 đôi dép cao su và nhiều di vật khác.
Các hài cốt liệt sỹ được xác định là của các chiến sỹ thuộc Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ vào tháng 5/1968 tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên.
Việc quy tập hài cốt liệt sỹ triển khai gần một tháng qua tại ấp Chòi Dúng, xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, cùng với đó được sự hỗ trợ từ Đại úy chuyên nghiệp Duncan Reid, Trợ lý Tùy viên Quốc phòng, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam và cựu binh Luke Johnston phối hợp với lực lượng Quân đội Việt Nam tìm kiếm và đã tìm thấy, quy tập được các liệt sỹ hy sinh ở Bắc Tân Uyên.
Tham dự Lễ truy điệu liệt sỹ, Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski bày tỏ xúc động: “Australia và Việt Nam đã có mối quan hệ trong hơn 50 năm qua. Năm nay chúng ta nâng tầm mối quan hệ giữa hai bên lên cột mốc cao nhất. Hôm nay, tôi rất vinh hạnh được tham dự lễ truy điệu các liệt sỹ của Việt Nam. Chúng ta không thể quên những người đã hy sinh bản thân vì hòa bình của đất nước.”
Đọc điếu văn tại buổi Lễ truy điệu, ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết Sư đoàn 7 mang mật danh “Công trường 7” thành lập ngày 13/6/1966 tại Phước Long (nay là huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là một trong những sư đoàn chủ lực đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng mà trực tiếp là Trung ương Cục miền Nam, được đồng bào Nam Bộ trực tiếp bao bọc, chở che, nuôi dưỡng.
Sư đoàn đã cùng với quân và dân miền Nam tham gia nhiều trận đánh: tháng 12/1967 đánh bại cuộc hành quân "Hòn đá vàng" của Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" Mỹ; sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 Sư đoàn đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn "Anh cả đỏ" tại đường 13 (bắc Lai Khê), đường 14 (bắc Phước Vĩnh), đường 16 (bắc Tân Uyên).
Trên vùng đất Bình Dương, sư đoàn 7 có nhiệm vụ đứng vững ở khu vực thuộc địa phận các huyện Phú Giáo, Châu Thành (nay là huyện Bắc Tân Uyên và Thành phố Tân Uyên) chuẩn bị mọi mặt để bước vào đợt 2.
Ngày 28/4/1968 Sư đoàn được lệnh đưa lực lượng của Sư đoàn cùng các lực lượng phối thuộc của địa phương xuống vùng sâu đánh địch.
Vào các ngày cuối tháng 5 năm 1968 Sư đoàn 7 nhận mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh Miền tấn công vào căn cứ Sở Gà, Sở Hội, Đồng Tràm, bắc thị xã Thủ Dầu Một (nay thuộc xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương).
Ngay sau khi ta giành được thắng lợi bước đầu, địch đã sử dụng nhiều xe tăng thiết giáp, máy bay bất ngờ phản công; do hỏa lực địch quá mạnh và bị phản công bất ngờ nên một bộ phận cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh.
Nhiều thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy, sau bao năm thân xác các anh hùng nằm trong lòng đất mẹ. Kể từ hôm nay các đồng chí đã được trở về với đồng đội của mình, đất nước đã được độc lập, tự do, hạnh phúc như tâm nguyện của các đồng chí ngày lên đường chiến đấu./.