Bình Dương: Đơn hàng dồn dập, các nhà máy gấp rút tuyển nhân công
Theo số liệu từ Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương, có 3.200 doanh nghiệp của tỉnh đang cần tuyển dụng thêm 41.000 lao động về may mặc, giày da và công nghệ cao.
Các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng lớn trong quý 2 và 3 năm nay nên nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao tại các nhà máy sản xuất ở tỉnh Bình Dương.
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, cho biết theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị giới thiệu việc làm cho 54.172 lao động, tỷ lệ có việc làm đạt 66,39%. So với cùng kỳ năm ngoái, số người được giới thiệu việc làm tăng 18.122 người. Tỷ lệ tư vấn việc làm trong quý 2 tăng 23,53% so với quý trước đó và tỷ lệ có việc làm tăng 15,58%. Qua đó cho thấy, công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương đã có hiệu quả nhất định.
So với năm trước, số lao động có chuyên môn không có nhiều thay đổi trong 6 tháng đầu năm nay nhưng số lao động phổ thông đã tăng 83,38%. Đây là dấu hiệu cho thấy các ngành công nghiệp đang cần lượng lớn lao động phổ thông để đáp ứng nhu cầu sản xuất gia tăng.
Doanh nghiệp trong các ngành như may mặc, điện tử, gỗ, và ép nhựa đều đang tích cực tuyển dụng lao động phổ thông, tạo ra một làn sóng việc làm mới.
Nhu cầu tuyển dụng tăng cao tập trung chủ yếu ở lao động phổ thông, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ của các ngành sản xuất và dịch vụ. Điều này không chỉ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mà còn đóng góp vào sự ổn định và phát triển kinh tế địa phương.
Điển hình Công ty Thành Thắng Thăng Long, chuyên sản xuất đồ gỗ tại thành phố Tân Uyên đang cần tuyển thêm 400 công nhân để mở rộng dây chuyền sản xuất. Đáng chú ý, công ty này không yêu cầu thời gian thử việc, các ứng viên có thể ký hợp đồng chính thức ngay sau khi hoàn tất thủ tục tuyển dụng, đảm bảo tiến độ sản xuất không bị gián đoạn.
Nhiều doanh nghiệp khác đang gấp rút tuyển dụng lao động. Theo số liệu từ Ủy ban Nhân dân tỉnh, có 3.200 doanh nghiệp đang cần tuyển dụng thêm 41.000 lao động về may mặc, giày da và công nghệ cao. Đây là con số tuyển dụng cao nhất trong những năm gần đây, phản ánh sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời gian khó khăn.
Theo dự báo, Bình Dương không chỉ thu hút đầu tư trong nước mà còn là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ tính 7 tháng năm nay, tỉnh thu hút được 1 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nâng tổng số dự án đầu tư nước ngoài tại tỉnh lên 4.342 dự án, với tổng vốn 40,9 tỷ USD.
Với đà gia tăng mạnh mẽ của các đơn hàng xuất khẩu và nhu cầu tuyển dụng lao động cao, Bình Dương đang chứng kiến một giai đoạn phát triển sôi động. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong kết nối cung-cầu lao động, cùng đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các chương trình đào tạo nghề, Bình Dương sẽ có thêm dư địa để phát triển trong thời gian tới..
Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Anh Tuấn cho biết trong 7 tháng của năm nay, tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) tăng 6,19% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 13%.
Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu-nhập khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,9 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 10,6%.
Lượng đơn hàng mới dồn dập về trong quý 2 và 3, dự báo cao điểm những tháng cuối năm, nhất là lĩnh vực đồ gỗ, may mặc đang lấy lại đà sản xuất, kéo theo các nhà máy có nhu cầu tuyển lượng lớn công nhân./.