Bí quyết của nhà giáo ưu tú Điện Biên: Phải thật kiên trì và không ngừng đổi mới
"Nghề giáo không chấp nhận sự dậm chân tại chỗ, phải liên tục đổi mới, phải là phiên bản tốt nhất của mình so với ngày hôm qua,” nhà giáo ưu tú Trần Lan Anh khẳng định.
Phải thật sự kiên trì, càng với học sinh yếu kém lại càng cần sự kiên trì nhẫn nại, và phải không ngừng đổi mới, đó là bí quyết để có thể gặt hái nhiều thành quả trong suốt 26 năm miệt mài trên bục giảng của cô Trần Lan Anh, giáo viên môn Toán, Trường Trung học cơ sở Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Với rất nhiều nỗ lực, nhiệt huyết và cống hiến, cô Lan Anh đã vinh dự được Nhà nước trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2023.
“Nghề giáo không chấp nhận dậm chân tại chỗ”
Với nhiều người ngoài ngành, nghề giáo đôi khi khá nhàm chán khi từ lớp học này sang lớp học khác, lứa học sinh này đến lứa học sinh khác, các giáo viên sẽ giảng đi giảng lại một bài.
“Nhưng đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm. Nghề giáo không chấp nhận sự dậm chân tại chỗ, phải liên tục đổi mới, phải là phiên bản tốt nhất của mình so với ngày hôm qua,” cô Lan Anh khẳng định.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nhà giáo nên niềm đam mê với nghề đã được gieo trong lòng cô ngay từ thuở nhỏ. Tình yêu ấy càng lớn lên theo những năm tháng học trò, nhất là những năm cấp 3, khi giáo viên chủ nhiệm đã nhìn thấy tố chất sư phạm của cô và cổ vũ học trò theo nghề sư phạm.
Nhìn lại hành trình 26 năm cầm phấn đứng trên bục giảng, cô Lan Anh bảo mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây, giáo án soạn tay nhưng hiện nay các thầy cô đã soạn bằng giáo án điện tử. Giáo viên đến trường không còn chỉ có sách giáo khoa với bảng đen, phấn trắng mà cần rất nhiều các công cụ hỗ trợ, thiết bị dạy học hiện đại đi kèm.
Điều đó buộc giáo viên phải đổi mới nếu muốn tồn tại với nghề và không bị bỏ lại phía sau. Người giáo viên phải toàn diện hơn, năng động hơn, sáng tạo, tự chủ, linh hoạt, phải biết khai thác và sử dụng các phần mềm hỗ trợ dạy học, phải tiếp cận và sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, phải tự tìm tòi trên Internet và học hỏi đồng nghiệp.
Trước đây, giờ học chỉ là sự đàm thoại, thậm chí là là đàm thoại một chiều, cô giảng trò nghe, cô đọc trò chép, giáo viên là trung tâm, là người trao truyền kiến thức thì ngày nay vai trò đã đảo ngược, học sinh là trung tâm, là người chủ động khám phá ra kiến thức, giáo viên chỉ là người hỗ trợ, tổ chức và hướng dẫn hoạt động. Học sinh không còn thụ động ngồi khoanh tay trên mặt bàn mà sôi nổi tham gia hoạt động nhóm hoặc hoạt động cá nhân và thông qua các hoạt động đó để lĩnh hội kiến thức. Thầy cô có vai trò chắt lọc, tổng hợp lại và giúp các em có nhận thức đúng.
Với quan điểm đó, cô Lan Anh luôn chủ động tìm các phần mềm, công cụ hỗ trợ, kết hợp nhiều phương pháp để có bài giảng hay, tổ chức hoạt động lớp học sinh động để có thể thu hút sự chú ý, tạo sự hứng thú cho học sinh. Từ đó, giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng và ghi nhớ bài học lâu hơn. Cô giao cho các em làm nhiều dự án liên quan đến bài học, gắn kiến thức với thực tiễn như vận dụng kiến thức vừa học để làm bánh sinh nhật, trang trí báo tường, làm mũ chú hề hay lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình…
Những giờ Toán của cô Lan Anh vì thế không còn đơn điệu, nhàm chán, áp lực, khô khan mà thiết thực hơn, dễ hiểu hơn, gắn kết với cuộc sống.
Nhẫn nại và kiên trì
Luôn mang trong mình niềm say mê với nghề nên dù thuộc lớp giáo viên trung niên, cô Lan Anh bảo việc làm quen với các thiết bị điện tử, công nghệ mới, các phần mềm không khiến cô thấy khó khăn hay lúng túng.
“Khó khăn với tôi nếu có đều đến từ người học, đó là khi học sinh không muốn đến trường, không có động lực học tập, hoặc có những học sinh dù rất ham học nhưng lại có hoàn cảnh khó khăn. Với những học sinh đó, tôi sẽ cố gắng gần gũi các em hơn, gặp gỡ gia đình, bạn bè, tìm hiểu nguyên nhân để có thể giúp các em tháo gỡ những khó khăn, bế tắc, tìm được niềm vui trong việc học. Niềm vui lớn nhất của tôi là không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau,” cô Lan Anh trải lòng.
Và để học sinh tìm được niềm vui trong học tập, nhất là với học sinh yếu, kém là cả sự kiên trì nhẫn nại của người giáo viên.
“Với học sinh khá giỏi, phải truyền được cảm hứng, tình yêu môn học cho các em. Nhưng với học sinh yếu, kém sẽ khó khăn hơn, nhiều lúc không thể quát, mắng, nóng giận, trò càng không hiểu bài, cô càng cần phải thật mềm mỏng, thật kiên nhẫn, dành cho các em nhiều thời gian hơn, phải hiểu các em, phải pha trò cho các em bớt căng thẳng sau đó mới quay lại bài học. Có khi phải dành đến hai buổi, học sinh mới có thể giải được phương trình bậc hai,” cô Lan Anh kể.
Không chỉ đảm nhiệm tốt vai trò giáo viên đứng lớp, là tổ trưởng tổ chuyên môn của trường, giáo viên cốt cán của huyện, cô Lan Anh còn có nhiệm vụ bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các giáo viên trong tổ về phương pháp dạy học, phương pháp soạn giảng, phương pháp kiểm tra, công nghệ thông tin, sử dụng thiết bị dạy học. Với sự dìu dắt, hỗ trợ của cô Lan Anh, tổ chuyên môn của cô đã có hai giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 4 giáo viên đạt giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Với vai trò cốt cán của ngành, cô đã bồi dưỡng được 7 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Cô đã có 6 sáng kiến kinh nghiệm được cấp có thẩm quyền công nhận về các chủ đề khác nhau như sáng kiến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, sáng kiến về bồi dưỡng học sinh giỏi, về công tác chủ nhiệm, về đổi mới phương pháp và kỹ thuật dạy học… Các sáng kiến đều là kinh nghiệm cô tích luỹ sau hàng chục năm công tác, đã được thử nghiệm thực tế và vì thế trở thành tài liệu giảng dạy hiệu quả cho các giáo viên.
“Nhìn lại hành trình 26 năm đứng trên bục giảng, điều tôi quý giá nhất là sự tín nhiệm, tin yêu của đồng nghiệp, sự quý trọng của học sinh, phụ huynh. Tôi hạnh phúc khi thấy mình đã chọn đúng nghề và nghề cũng đã chọn đúng người,” cô Lan Anh nói.
Chia sẻ về giây phút nhận quyết định và được trao tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, cô bảo mình đã rất xúc động: “Tôi đã nhận rất nhiều danh hiệu nhưng đây là danh hiệu cao quý nhất nên rất cảm xúc pha trộn khó nói nên lời, vừa tự hào, vừa xúc động. Đây là món quà tôi muốn dành tặng cho mẹ - người thầy đầu tiên và cũng là người đã truyền cảm hứng cho tôi theo nghề giáo.”
Nhận xét về đồng nghiệp của mình, thầy Phạm Kiên Cường, Phó hiệu trưởng Phụ trách Trường Trung học cơ sở Thanh An cho hay cô Trần Lan Anh là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp tỉnh qua nhiều năm, là cốt cán của ngành, có năng lực chuyên môn vững vàng, ham học hỏi, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và đã đạt nhiều thành tích các cấp.
“Danh hiệu nhà giáo ưu tú là sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực, cống hiến của cô với ngành giáo dục trong hàng chục năm qua,” thầy Cường nói./.