Bến xe vắng lặng ngày làm việc cuối của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Dù là ngày làm việc cuối cùng để chuẩn bị bắt đầu vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tuy nhiên, các bến xe vắng vẻ người dân vào bến để bắt xe về quê ăn Tết.

Các bến xe trên địa bàn thành phố Hà Nội thưa thớt đón hành khách đi lại trong ngày 19/1 (tức ngày 28 Tết) - ngày làm việc cuối để bắt đầu vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại bến xe Giáp Bát, khu vực quảng trường vắng bóng hành khách. Khi những chuyến xe buýt vào điểm cuối trả khách, lác đác vài người xuống xe.

Trong khu nhà điều hành, bến xe bố trí đông đủ nhân viên túc trực tại quầy bán vé để phục vụ hành khách. Tuy nhiên, có rất ít "thượng đế" vào mua.

Phía bên trong sân đỗ, nhiều đơn vị vận tải đã bố trí phương tiện sẵn sàng chở khách về quê.

Chuẩn bị đến lượt xuất bến, nhìn vào hàng ghế dài trống trơn người, anh Phạm Văn Quang, lái xe khách Biển kiểm soát 18B-007.11 chạy tuyến Hà Nội-Nam Định than thở: "Những ngày vừa qua, khách đi lại rất vắng vẻ. Lượng khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay cũng khá giống như 2 năm vừa qua, thời điểm có dịch COVID-19."

Anh Quang nhận định hết hôm nay mới là ngày làm việc cuối cùng, có thể vào sáng mai, người dân mới về thu xếp để về quê. Hy vọng có thêm khách và đông người, chứ cao điểm đi lại Tết mà vắng vẻ như này chạy xe không đủ chi phí tiền xăng dầu.

Ngồi trên xe, chị Nguyễn Lan Anh (Thanh Liêm, Hà Nam) cho hay chị cứ lo chiều nay sẽ khó có chỗ ngồi do đông người về quê. Khi lên xe, chị ngạc nhiên bởi chỉ có 3 khách. Đến lúc xuất bến, xe cũng chưa có thêm người nào. Hàng ghế ngồi rộng rãi và thoải mái. Xe vắng thì khách đi cảm thấy thoải mái vì không bị nhồi nhét.

Tuy nhiên, chị Lan Anh cũng cho biết do ít khách, nhà xe chạy "rùa bò" từ đầu cổng bến xe Giáp Bát đến bến xe Nước Ngầm mất tới cả 1 tiếng đồng hồ để bắt khách, trong khi đường thì thông thoáng và không ùn tắc.

"Những khách bắt xe dọc đường, giá vé xe về Thanh Liêm là 100.000 đồng, đắt hơn so ngày thường khoảng 25% với lý do phụ xe đưa ra là ngày Tết. Xe đi đến giữa cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ mới thu tiền nên dù giá có cao, ai cũng tặc lưỡi chi trả vì xuống xe bất tiện," chị Lan Anh chia sẻ.

[Photo] Cửa ngõ Thủ đô Hà Nội thông thoáng chiều ngày 28 Tết]

Lý giải về vắng khách, lãnh đạo bến xe Giáp Bát cho biết trong những năm qua, thực trạng các bến xe Hà Nội "teo tóp" khách là điều dễ thấy bởi người dân sử dụng xe cá nhân làm phương tiện đi lại về quê rất nhiều.

Theo lãnh đạo bến xe này, dịp Tết Nguyên đán năm nay bến xe chia ra làm 2 đợt. Đợt 1 là phục vụ lượng học sinh, sinh viên các trường Đại học được nghỉ và về quê và đợt 2 là phục vụ những người lao động cuối nên phần đa khách không dồn vào một thời điểm như những kỳ nghỉ vào ngày 30/4-1/5 hay ngày Quốc Khánh 2/9.

"Chưa kể, một lượng lớn 'xe dù, bến cóc', xe đi chung, xe đi ghép hay loại hình xe hợp đồng Limousine cũng đã 'vét sạch' khách của các tuyến chạy cố định, dẫn tới nhiều nhà xe chạy rỗng trên đường," lãnh đạo Bến xe Giáp Bát nói.

Chỉ tay vào dàn xe đỗ kín dưới sân, ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cũng cho biết bến đã bố trí xe dự phòng và tăng cường. Tuy vậy, với lượng khách đổ về bến thưa thớt này thì ngay cả tần suất xe chạy ngày thường cũng dư thừa cung ứng được khách về quê.

Ông Sơn cung cấp thêm thông tin, ngày thường Bến xe Mỹ Đình có khoảng 800 lượt xe xuất bến. Con số này trong ngày hôm nay may ra gần chạm ngưỡng lượt xe trên do dựa trên nhu cầu đi lại của người dân.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Bến xe Hà Nội:

Khu vực quảng trường Bến xe Giáp Bát vắng lặng hành khách trong ngày 28 Tết Nhâm Dần. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Thưa thớt hành khách vào Bến xe Giáp Bát để về quê. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Cổng vào quầy bán vé chỉ có lác đác vài người. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Khu vực quầy bán vé trống trơn hành khách. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Hai bố con người dân vội vã nhanh chân lên xe về tỉnh Nam Định. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Tại trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ không ùn tắc và lực lượng Cảnh sát giao thông đã túc trực phân làn giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Việt Hùng (Vietnam+)