Bầu cử Nghị viện châu Âu tại Pháp: Sự cạnh tranh gay gắt dưới bề ngoài trầm lắng
Không khí bầu cử EP tại Pháp diễn ra tương đối trầm lắng, tuy nhiên bên trong đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các đảng chính trị nhằm giành được nhiều ghế nhất có thể tại Strasbourg.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, từ sáng sớm 9/6, các phòng bỏ phiếu đã mở cửa để đón cử tri đi bầu cử Nghị viện châu Âu (EP).
Tuy nhiên không khí bầu cử diễn ra tương đối trầm lắng. Thậm chí nếu như không chú ý quan sát, khách đi đường sẽ không nhận ra rằng cuộc bầu cử lập pháp của châu Âu đang diễn ra.
Trên các đường phố có rất ít những hình ảnh tuyên truyền về sự kiện quan trọng như vậy.
Mặc dù vậy, sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị, nhất là phe cực hữu và phe đa số của tổng thống, vẫn diễn ra gay gắt nhằm giành được nhiều ghế nhất có thể tại Strasbourg.
Trong cuộc bầu cử năm nay, 49,5 triệu cử tri Pháp sẽ bỏ phiếu để bầu chọn 81 đại biểu trong tổng số 720 nghị sỹ EP nhiệm kỳ 2024-2029.
Bế tắc về phát triển các chủ đề vận động cử tri là điểm dễ nhận thấy trong chiến dịch bầu cử châu Âu tại Pháp năm nay.
Theo giới quan sát, cho đến khi kết thúc chiến dịch, đã không có một chính đảng nào chiếm ưu thế nổi bật, đủ để tạo ra một sự đối đầu thực sự và mỗi đảng đều đưa ra những chủ đề riêng mang tính quốc gia nhiều hơn là các vấn đề của châu Âu.
Trong khi đó, phe cực hữu vẫn bám sát chiến lược “bình thường hóa” hình ảnh của mình để thu hút cử tri.
Xuyên suốt quá trình tranh cử, phe đa số của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron luôn cho thấy sự đuối sức, không tạo được đột phá và không có khả năng áp đặt một sự thống nhất, tập trung, bất chấp việc châu Âu là một trong những chủ đề yêu thích và thuộc sở trường của họ.
Trong bối cảnh kinh tế-xã hội khó khăn, dường như không có điều gì có thể ngăn cản động lực của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia hiện vẫn dẫn đầu các danh sách tranh cử tại Pháp.
Theo kết quả thăm dò công bố ngày 7/6 do Viện Eurotrack thực hiện, hai ngày trước cuộc bầu cử, danh sách của đảng Tập hợp Quốc gia giành được sự ủng hộ của 33% số cử tri, vượt xa mức 15% mà phe đa số đạt được.
Đứng thứ ba là danh sách của liên minh giữa đảng Xã hội và phong trào chính trị công dân Place Publique với 14%.
Kết quả bầu cử có thể sẽ khác do còn phụ thuộc vào những thay đổi về việc lựa chọn danh sách của cử tri.
Cho đến sát ngày bầu cử, có 27% số cử tri Pháp được hỏi cho biết họ có thể thay đổi lựa chọn của mình vào phút chót.
Con số này thấp hơn 7 điểm phần trăm so với đợt thăm dò ý kiến một tuần trước, nhưng đây vẫn là một con số quan trọng có thể dẫn đến một số bất ngờ trong tối 9/6 này./.