Bảo tồn và phát triển nghề làm thuốc Đông y trong khu Phố cổ Hà Nội
Trải qua thời gian, các cửa hàng thuốc Đông y trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán tấp nập, không bị phai nhạt nghề truyền thống như ở nhiều phố khác trong khu phố cổ.
Phố phường Thăng Long xưa dù đi qua những thăng trầm nhưng dấu ấn còn đến ngày nay vẫn là những phố nghề, phường nghề buôn bán sôi động, tên hàng gắn với tên phố.
Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội, trong đó có phố Đông Nam dược Lãn Ông đang được quận Hoàn Kiếm quan tâm.
Nghề cha truyền con nối
Phố Lãn Ông dài 180m, từ ngã tư Hàng Đường-Hàng Ngang đến phố Thuốc Bắc, chạy ngang qua ngã tư Chả Cá - Hàng Cân. Trước là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc, huyện Thọ Xương cũ. Nay thuộc phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Phố được mang tên Lãn Ông (1720-1791), thường gọi là Hải Thượng Lãn Ông, tên thật của ông là Lê Hữu Trác người Liêu Xá, huyện Đường Hào (nay là Mỹ Hào), tỉnh Hưng Yên. Ông là một danh y nổi tiếng có nhiều đóng góp to lớn cho nền y học dân tộc Việt Nam, người đã kế thừa xuất sắc sự nghiệp “Nam dược trị Nam nhân” của Tuệ Tĩnh thiền sư.
Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang sắc thái đặc trưng của một khu dân cư sản xuất chủ yếu là nghề thủ công truyền thống. Trong đó nghề đông y-buôn bán thuốc nam, thuốc bắc (thuốc y học cổ truyền) phát triển mạnh mẽ ở phố Lãn Ông.
Con phố gần như chỉ chuyên doanh nghề Đông Nam dược, những tấm biển bằng gỗ, bằng đồng… ghi tên hiệu nhà thuốc đã tồn tại trên dưới 100 năm nay vẫn còn đó. Phố Lãn Ông chiếm tỷ lệ gần 90% số hộ đăng ký kinh doanh thuốc y học cổ truyền và phòng chẩn trị y học cổ truyền trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Điều đó khẳng định tính truyền thống trong hoạt động buôn bán thuốc Đông Nam dược ở phố Lãn Ông.
Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ Phó đến từ tỉnh Phúc Kiến. Sau đó còn có hàng chục lương y người Việt thành danh trên phố này; họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc, Hành Thiện...
Trải qua thời gian, các cửa hàng thuốc Đông y trên phố Lãn Ông ngày nay vẫn buôn bán tấp nập, không bị phai nhạt nghề truyền thống như ở nhiều phố khác trong khu phố cổ.
Trên phố Lãn Ông, các cửa hàng bán thuốc Đông Nam dược nằm san sát nhau, bán đủ mọi loại thuốc từ cao cấp như đông trùng hạ thảo, nhân sâm, linh chi, cho tới các vị thuốc nam, thuốc bắc, các loại thảo dược khô hoặc tán bột…
Nhiều người bán lẻ thuốc bắc kèm theo thuốc nam. Thuốc nam có vỏ quýt, sa sâm, quế chi, hạt sen, bán hạ... Thuốc bày bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi nylon xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu.
Các loại thuốc quý hiếm được nâng niu, bọc trong vải điều, đựng trong ngăn kéo tủ gỗ. Trong hiệu thường có dao cầu, thuyền tán dùng cho việc bào chế thuốc. Khắp nơi mùi đương quy, bạch truật, đan bì, ý dĩ... thơm lừng.
Bên cạnh các cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra, những phòng chẩn trị y học cổ truyền thường thâm trầm, kín đáo, bên trong đặt chân dung Hải Thượng Lãn Ông ở vị trí trang trọng. Sừng sững sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc khác nhau.
Những người bệnh đến đây được tận tình đón tiếp, bắt mạch và kê đơn. Chỉ trong chốc lát thuốc đã được gói thành những gói vuông vức cho khách hàng.
Nghề thuốc ở con phố này là nghề cha truyền con nối từ bao đời nay. Đa phần không qua trường lớp đào tạo bên ngoài mà thường lấy bí kíp gia đình làm cốt yếu.
Bảo tồn di sản văn hóa Đông y
Năm 2014, Ủy ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với các hộ dân ở đoạn cuối phố Lãn Ông cải tạo lại những mặt tiền xuống cấp.
Mục tiêu của dự án là bảo tồn, khôi phục không gian kiến trúc, không gian nghề y dược truyền thống trên phố Lãn Ông, chỉnh trang, nâng chất lượng các công trình kiến trúc qua các thời kỳ để mang lại cái nhìn toàn cảnh về lịch sử, văn hóa của con phố này. Quá trình triển khai trùng tu, chỉnh trang được người dân nhiệt tình ủng hộ. Sau khi hoàn thành, phố Lãn Ông mang một diện mạo mới, khang trang, sạch đẹp, nhưng vẫn giữ được kiến trúc cũ.
Để phát triển nghề y dược cổ truyền không bị mai một, quan điểm về xu hướng vừa làm nghề thuốc chữa bệnh, vừa kết hợp với du lịch và bảo tồn di sản văn hóa nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Chuyên gia cho rằng cần tăng cường loại hình du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe bởi nó đem lại nhiều ý nghĩa tích cực và phù hợp với giai đoạn hiện nay. Song để làm được điều này cần nâng cao chất lượng sản phẩm và kỹ năng chuyên môn của các lương y, cùng với đó là sự hỗ trợ sát sao của các cơ quan, bộ, ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực Đông y.
Ngoài việc kế thừa những tinh hoa y học cổ truyền cha ông để lại, phố nghề Lãn Ông còn là nơi thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội./.