Báo động gia tăng thiệt hại từ tai nạn lao động: Cấp thiết nhận diện rủi ro
Năm 2024, thiệt hại vật chất từ tai nạn lao động lên tới 42.565 tỷ đồng, tăng tới 61,5% so với năm 2023, điều này cho thấy công tác an toàn vệ sinh lao động cần được quan tâm và tăng cường hơn nữa.
Trong bối cảnh khó khăn do những biến động khó lường trên thế giới, công tác an toàn, vệ sinh lao động cũng đang đứng trước những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Tháng Năm hàng năm là Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và cũng là thời điểm cả nước tập trung nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn vệ sinh lao động.
Tai nạn lao động có dấu hiệu gia tăng
Trong bối cảnh kinh tế và công nghiệp hóa đang phát triển mạnh mẽ, công tác an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 đã đạt được một số kết quả đáng chú ý. Điều kiện lao động đã được cải thiện với việc thực hiện 1.220.366 mẫu quan trắc môi trường, tăng 11% so với năm 2023, trong đó có 41.598 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép, chiếm 4,8%, giảm 1,4% so với năm trước.
Phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động đã phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của 41.188 công đoàn cơ sở, thu hút 1.195.504 người và 16.971 sáng kiến. Số người bị tai nạn lao động nặng đã giảm 1,74%, với 1.690 người bị thương nặng, trong khi tổng số vụ tai nạn lao động là 8.286 vụ, tăng 12,1% so với năm 2023.
Hoạt động tuyên truyền và huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động đã được đẩy mạnh, với hơn 4 triệu người được huấn luyện và hơn 250 ngàn thiết bị được kiểm định.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ đánh giá, công tác này vẫn đối mặt với nhiều thách thức khi số vụ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp có dấu hiệu gia tăng. Nguyên nhân chính là do thiếu sự quan tâm từ phía người sử dụng lao động và chính quyền cơ sở, cùng với việc nhiều lao động chưa được huấn luyện đầy đủ.
Thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động năm 2024 đã tăng so với năm 2023 cho thấy sự cần thiết của việc cần tăng cường các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động.
Theo số liệu báo cáo sơ bộ của các địa phương, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2024 (như chi phí tiền thuốc, mai táng, tiền bồi thường cho gia đình người chết và những người bị thương...) là trên 42.565 tỷ đồng (tăng khoảng 26.208 tỷ đồng so với năm 2023); thiệt hại về tài sản trên 492 tỷ đồng (giảm khoảng 230 tỷ đồng so với năm 2023); tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là trên 154.759 ngày (tăng khoảng 4.989 ngày so với năm 2023), số ngày nghỉ bình quân tính trên 1 người lao động do bị tai nạn lao động là khoảng 19 ngày (giảm khoảng 3 ngày so với năm 2023).

Để nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng của an toàn vệ sinh lao động, Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025 sẽ diễn ra từ 1/5 đến 31/5, với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.”
Bà Chu Thị Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết chủ đề của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động nhằm tăng cường kiểm soát, nhận diện rủi ro.
Theo bà Hạnh, từ thực tế nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, các vụ việc xảy ra trong năm 2024 có nguyên nhân 50% là từ phía người sử dụng lao động, cho thấy trách nhiệm người sử dụng lao động là rất lớn. Mặc dù đã tuyên truyền, Chính phủ cũng đã ban hành các chỉ thị nhưng trách nhiệm người sử dụng lao động còn chủ quan.
“Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng máy móc thiết bị cũ, công tác huấn luyện thông tin đã giảm đi nhiều, nhiều nơi làm chống đối. Do đó, tăng cường quy trình đánh giá kiểm soát yếu tố rủi ro tại doanh nghiệp là hết sức quan trọng, chủ sử dụng phải là người đi đầu trong đảm bảo an toàn vệ sinh lao động,” bà Hạnh cho hay.
Giảm tỷ lệ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Tại buổi lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đã nhấn mạnh cần tiếp tục nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho toàn xã hội, nhất là người sử dụng lao động và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp cần chủ động đánh giá, nhận diện nguy cơ tại nơi làm việc, đầu tư vào công nghệ an toàn và thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về kỷ luật an toàn lao động. Người lao động cần tuân thủ quy trình và tham gia tích cực vào các chương trình đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương tăng cường hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đánh giá môi trường lao động, đặc biệt là nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kịp thời có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện điều kiện lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Lãnh đạo Chính phủ đặt ra mục tiêu phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trong đó tháng 5/2025 phải thấp hơn bình quân các năm trước.

Nhằm tăng cường việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, giảm thiểu các vụ tai nạn lao động, đặc biệt là các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, Bộ Nội vụ đã có công văn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện với tinh thần “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả).
Các địa phương cần tăng cường hướng dẫn việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt chú trọng công tác kiểm tra thực tế tại các nơi làm việc có nguy cơ cao về an toàn lao động trong các lĩnh vực như xây dựng, khai khoáng, cơ khí, luyện kim...
Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty, Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện rà soát, đánh giá, bảo đảm chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng các biện pháp, phương án làm việc an toàn, bảo đảm kiểm soát hiệu quả các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc; nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, bà Hạnh cho biết thêm Bộ Nội vụ đang tiếp tục chính sửa, rà soát các văn bản pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn như tổng kết 10 năm về tình hình thực hiện của Luật an toàn, vệ sinh lao động và nghiên cứu sửa đổi một số điều tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động, Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.
“Việc rà soát, sửa đổi các quy định bất cập nhằm đảm bảo hỗ trợ doanh nghiệp tốt nhất về cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn để đảm bảo thông thoáng thủ tục kinh doanh, thực hiện công tác thống kê, báo cáo về an toàn vệ sinh lao động,” bà Hạnh cho hay.