Ban hành bộ tiêu chí làm cơ sở xác định hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tiêu chí xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư.
Tại cuộc họp về việc ban hành Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia, sáng 10/6, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về tăng trưởng xanh, yêu cầu khẩn trương ban hành bộ tiêu chí làm cơ sở xác định hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia.
Tích hợp các tiêu chí xanh
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiêu chí xanh có ý nghĩa rất quan trọng đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế và thu hút đầu tư. Do đó, việc xây dựng hệ thống phân ngành kinh tế xanh quốc gia cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến căn cứ chính trị, pháp lý; nội hàm, nhận thức, cách tiếp cận đối với những ngành kinh tế hiện có và các ngành kinh tế mới nổi theo hướng xanh.
Đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc tích hợp các tiêu chí xanh vào hệ thống kinh tế quốc dân nhằm triển khai chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước, cũng như các chiến lược, kế hoạch, pháp luật về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, hệ thống phân loại không chỉ hướng đến việc đưa các tiêu chí xanh hệ thống kinh tế hiện tại mà còn tích hợp một số ngành kinh tế mới như: đầu tư và phục hồi môi trường tự nhiên, sử dụng công nghệ mới trong cung cấp dịch vụ xử lý môi trường, năng lượng tái tạo…
Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xanh quốc gia, làm cơ sở để các bộ, ngành xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, phân hạng mức độ xanh cho từng ngành, lĩnh vực kinh tế; đề xuất nhóm ngành kinh tế xanh theo mức độ khác nhau.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống thống kê quốc gia về kinh tế xanh, làm cơ sở theo dõi, đánh giá; trong đó, chú trọng một số chỉ tiêu quan trọng như mức tiêu hao năng lượng cho sản xuất so với GDP, chỉ số phát thải trên GDP, chi tiêu nhà nước và xã hội cho kinh tế xanh, biến đổi khí hậu, môi trường…
Thống nhất cách tiếp cận
Trước đó, theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Bộ được giao nhiệm vụ xây dựng một bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, hài hòa với thông lệ quốc tế, giúp các cơ quan có cơ sở pháp lý cụ thể hơn trong việc lựa chọn dự án đầu tư ở các bộ, ngành, địa phương; đồng thời lượng hóa, đánh giá tiến bộ của tăng trưởng xanh.
Việc xây dựng hệ thống phân loại xanh đang phổ biến trên toàn cầu, nhiều quốc gia và các tổ chức liên Chính phủ, phi Chính phủ tích cực tham gia vào quá trình này. Hai mục tiêu chính là: làm căn cứ xây dựng chính sách mang tính định hướng; ban hành chính sách ưu đãi cụ thể hoặc hỗ trợ tiếp cận tài chính xanh, tín dụng xanh phù hợp với bối cảnh đất nước trong từng giai đoạn.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu một số văn bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính… ban hành. Tương tự trên thế giới, hiện có những cách tiếp cận khác nhau (mang tính tổng thể từ trên xuống dưới hoặc theo đơn ngành cụ thể).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tiếp cận “từ trên xuống," tức là trên cơ sở phân ngành kinh tế quốc dân sẽ xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia tương xứng, gắn với tiêu chí quốc tế.
"Hệ thống ngành kinh tế xanh này đảm bảo hài hòa, phù hợp với ngành kinh tế của Việt Nam và cách tiếp cận tổng thể, toàn diện theo hướng từ trên xuống dưới. Hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia sẽ xây dựng các chỉ tiêu định tính làm cơ sở nền tảng để các bộ, ngành tiếp tục ban hành chỉ tiêu định lượng khác nhau, tùy thuộc vào mục đích phân loại của từng ngành," Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.
Trước băn khoăn của một ý kiến về việc trùng lặp hoặc xung đột với bộ tiêu chí, danh mục một số bộ, ngành ban hành, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: "không trùng lặp và không xung đột," nhất là về mục đích xây dựng và phạm vi điều chỉnh (phân loại, thống kê ngành kinh tế theo tiêu chuẩn, hài hòa với hệ thống phân ngành kinh tế Việt Nam hiện nay), tạo nền tảng đồng bộ xây dựng tiêu chí để có định hướng phù hợp.
Bên cạnh đó, về phương pháp xây dựng, hệ thống ngành kinh tế xanh quốc gia hướng đến xây dựng một công cụ thống nhất để đánh giá quá trình xanh hóa nền kinh tế toàn diện, trên cơ sở thống kê hoạt động, dự án đóng góp cho nền kinh tế xanh. Đây cũng là cách tiếp cận phổ biến được một số tổ chức quốc tế và quốc gia trên thế giới áp dụng để xây dựng Hệ thống ngành kinh tế xanh...
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp… tập trung thảo luận, phân tích một số nội dung liên quan đến nguyên tắc, tiêu chí về kinh tế xanh; thu hút đầu tư vào phát triển kinh tế xanh; phân loại kinh tế xanh; việc xây dựng hệ thống ngành quốc gia; danh mục phân loại xanh…
Một số ý kiến cho rằng cần có cơ sở pháp lý chung để xác định tiêu chuẩn ngành kinh tế xanh vì các ngành, lĩnh vực rất rộng, tính chất kỹ thuật khác nhau... nên cần cách tiếp cận phù hợp./.