Bài viết của Tổng Bí thư: Giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng

Bài viết khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của Đất nước.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II tổ chức tại Chiến khu Việt Bắc (2/1951). Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2024), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết: "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng."

Đông đảo bạn đọc cho rằng bài viết đã khơi dậy niềm tự hào về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Dân tộc Việt Nam anh hùng; góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và tương lai tươi sáng của Đất nước ta, Dân tộc ta.

Mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống chính trị, nêu cao hơn nữa trách nhiệm, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước và cách mạng của toàn dân tộc, quyết tâm xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng.

Bài viết gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất: "Đảng ta ra đời, lãnh đạo đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước;" phần thứ hai: "Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn;" phần thứ ba: "Phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước và cách mạng vẻ vang, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và năm 2030, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng."

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thức, nguyên cán bộ Thanh tra, Quân chủng Phòng không-Không quân, Quân đội Nhân dân Việt Nam, bài viết đã đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và bài học kinh nghiệm mà Đảng ta, đất nước ta, dân tộc ta đã đạt được qua các chặng đường lịch sử.

Bằng những lập luận khoa học, có sức thuyết phục cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định rằng, ngay từ khi thành lập, Đảng ta luôn trung thành, kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa đất nước ta tiếp tục phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp xu thế tất yếu của thời đại.

Bài viết cho thấy sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới và bảo đảm cho đất nước phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là rất quan trọng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Đại tá Nguyễn Văn Thức đặc biệt tâm đắc với nội dung trong bài viết: “Cho đến nay, mặc dù vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu, nhưng chúng ta đã hình thành nhận thức tổng quát: Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.”

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam đã và đang có sự phát triển vượt bậc với sức mạnh mới và vị thế vẻ vang chưa từng có trong lịch sử để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường. (Ảnh: TTXVN)

Đại tá Nguyễn Văn Thức cho rằng "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” là những mục tiêu có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau; mục tiêu này làm cơ sở, điều kiện, tiền đề cho mục tiêu kia. Đó là những mục tiêu lâu dài, những giá trị bền vững, từng bước được hiện thực hóa trong quá trình đổi mới đất nước trên con đường xã hội chủ nghĩa. Mục tiêu to lớn này chỉ được thực hiện khi chúng ta vững bước và kiên định đi trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, với sự chung sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu đó, trong bài viết Tổng Bí thư đã chỉ rõ cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thức, sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã đem lại những kết quả tích cực cho Việt Nam trong gần 40 năm qua.

Từ một nước nghèo, lạc hậu, Việt Nam đã đứng vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình, thành tích giảm nghèo ấn tượng, vị thế ngày càng được cải thiện trên trường quốc tế.

Năm 1986 khi mới bắt đầu đổi mới đất nước, GDP Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, xếp thứ 9/10 trong khối ASEAN.

Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong suốt thời kỳ Đổi mới từ 1986 đến nay, kể cả trong giai đoạn khó khăn của đại dịch COVID-19. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Nhờ đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng tương đối cao. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm; tăng trưởng kinh tế năm 2022 đạt 8,02%, cao hơn nhiều so với kế hoạch 6-6,5%.

Năm 2023 đạt hơn 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lần đầu tiên GDP của nước ta đạt mức 430 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài.

Đại tá Nguyễn Văn Thức cho rằng lý luận khoa học về chủ nghĩa xã hội vẫn còn nguyên giá trị; vận dụng một cách sáng tạo lý luận đó vào thực tiễn Việt Nam để tìm ra một mô hình mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam, đúng với tinh thần của chủ nghĩa Mác là phải luôn vận dụng một cách sáng tạo.

Các văn kiện gần đây của Đảng, Đảng ta đã khẳng định lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ.

Có thể khẳng định, bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy rõ, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn và đồng thời tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra./.