Bài học kinh nghiệm trong chính sách vận động sinh đủ 2 con ở Hải Phòng

Tại Hải Phòng, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%; mức sinh thay thế được duy trì hơn 10 năm qua, năm 2009 là 2,16 con/phụ nữ, năm 2019 là 2,20 con/phụ nữ, năm 2023 là 2,19 con/phụ nữ.

Theo đại diện Chi cục Dân số Hải Phòng, cùng với cả nước, sau nhiều năm thực hiện với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và ủng hộ của người dân, công tác dân số thành phố Hải Phòng trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%; mức sinh thay thế được duy trì hơn một thập kỷ qua, năm 2009 là 2,16 con/phụ nữ, năm 2019 là 2,20 con/phụ nữ, năm 2023 là 2,19 con/phụ nữ. Quy mô gia đình có 2 con ngày càng nhiều; tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố từng bước được khống chế.

Nhờ có các kết quả trên, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, dịch vụ dân số được mở rộng, chất lượng ngày càng cao, các hoạt động mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đã được triển khai sâu rộng trên toàn thành phố Hải Phòng.

Bà Trần Thị Thu Hằng - Chi Cục trưởng Chi cục Dân số Hải Phòng cho hay sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND ngày 09/12/2022 của Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố Hải Phòng đã rút ra những bài học kinh nghiệm trong tham mưu chính sách vận động người dân sinh đủ 02 con.

Thứ nhất: Công tác dân số nói chung, công tác vận động người dân sinh đủ 02 con phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy và chính quyền các cấp. Chỉ tiêu công tác dân số, vận động người dân sinh đủ 02 con, duy trì mức sinh thay thế phải được coi là chỉ tiêu quan trọng trong mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ hai: Tăng cường sự tham gia phối hợp để phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo công tác Dân số và phát triển các cấp trong quá trình tổ chức các hoạt động lồng ghép chương trình điều chỉnh mức sinh vào hệ thống các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.

Thứ ba: Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động với nhiều hình thức, nội dung truyền thông, giáo dục tập trung về lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn, sinh ít con đối với gia đình, xã hội; tập trung vận động nam, nữ thanh niên kết hôn và sinh con trước 30 tuổi và sinh đủ 2 con trước 35 tuổi, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi thích ứng với già hóa dân số...

Thứ tư: Tham mưu ban hành chính sách để mở rộng tiếp cận và nâng cao chất lượng các các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan: Xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản, hỗ trợ phụ nữ khi mang thai và sinh con, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Thứ năm: Cần có những cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời đảm bảo an sinh xã hội như: y tế, giáo dục, việc làm và mức thu nhập đảm bảo cho các cặp vợ chồng để họ yên tâm sinh đủ 2 con.

Để làm tốt hơn nữa công tác dân số, đặc biệt là việc duy trì mức sinh thay thế, Chi cục Dân số Hải Phòng kiến nghị Bộ Y tế sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách để chỉ đạo công tác dân số trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách về điều chỉnh mức sinh cho phù hợp với xu thế hiện nay, chính sách về nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi để thích ứng với già hóa dân số./.