'Bài ca tình yêu': Tác phẩm lớn cuối cùng của nhạc sỹ Doãn Nho

“Bài ca tình yêu” là câu chuyện ghi chép từ những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mạch chủ đạo là sự gắn bó giữa tiền tuyến-hậu phương, giữa tình yêu đôi lứa, tình đồng đội.

Câu chuyện được ghi chép từ những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vở nhạc kịch "Bài ca tình yêu" của nhạc sỹ Doãn Nho sẽ có hai buổi công diễn vào ngày 21 và 22/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong buổi họp báo diễn ra ngày 14/12, nhạc sỹ tuổi 90 chia sẻ rằng đây có lẽ là tác phẩm lớn cuối cùng trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông.

“Bài ca tình yêu” là câu chuyện ghi chép từ những cuộc đời có thật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Mạch chủ đạo là sự gắn bó giữa tiền tuyến-hậu phương, giữa tình yêu đôi lứa, tình đồng đội, tình yêu đất nước.

Nhạc sỹ Doãn Nho khẳng định những chất liệu âm nhạc dân gian có giá trị lớn, là thành tố không thể thiếu để kết hợp với âm nhạc hiện đại, góp phần viết nên vở “Bài ca tình yêu.” Đặc biệt, con trai của ông là nhạc sỹ, nghệ sỹ ưu tú Doãn Nguyên sẽ đảm nhận vai trò chỉ huy dàn nhạc cho vở này.

Nhạc sỹ Doãn Nho (thứ hai từ trái sang) cho hay đây có thể là tác phẩm lớn cuối cùng trong đời ông. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đạo diễn sân khấu Lê Thụy, người đồng hành với nhạc sỹ Doãn Nho trong vở nhạc kịch cho biết ông rất trăn trở trước khi bắt tay dựng vở. Ở Việt Nam, không nhiều tác phẩm opera, nhạc kịch có điều kiện để dàn dựng công phu. Trong khi đó, khí nhạc lại không phải thế mạnh của ông. Ông mất một tuần nghiên cứu để hiểu ngôn ngữ âm nhạc kết hợp với ngôn ngữ văn học trong tác phẩm.

"Sau khi nghe bản demo, tôi nhận ra đây là vở diễn dung dị, đậm đặc màu sắc, âm hưởng của âm nhạc dân tộc, phảng phất thơ Nguyễn Bính, ca dao dân ca. Câu chuyện mộc mạc, êm đềm và gần gũi," đạo diễn Lê Thụy bày tỏ.

Đạo diễn Lê Thụy đánh giá tác phẩm của nhạc sỹ Doãn Nho có cốt truyện nhẹ nhàng, xây dựng hình tượng người chiến sỹ giản dị, gần gũi, khiến người xem có cảm giác như đó là một người hàng xóm hay người thân trong gia đình.

Hơn 150 giảng viên, học viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tích cực luyện tập tác phẩm. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Về tổng phổ âm nhạc, đạo diễn Lê Thụy cho rằng vở diễn không nhiều kịch tính, giai điệu âm nhạc dễ nghe, dễ đi vào lòng người, khiến ông càng nghe càng ngấm.

Những ngày qua, hơn 150 giảng viên, học viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và nghệ sỹ Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tích cực luyện tập tác phẩm mang phong cách thính phòng kinh điển.

[Cơ hội khám phá những 'góc khác' về đời lính nhân dịp kỷ niệm 22/12]

Chia sẻ với báo chí, Đại tá, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cho rằng nhạc sỹ Doãn Nho đã dồn nén tất cả tâm huyết của mình cùng với sự thăng hoa về cảm xúc khi suy nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đây là công trình nghệ thuật có quy mô lớn và giá trị tư tưởng, nghệ thuật sâu sắc, ca ngợi sự hy sinh cao cả, ý chí, truyền thống anh hùng của quân dân ta./.

Minh Thu (Vietnam+)