Bài 4: Hệ sinh thái “rừng” sinh tồn an toàn giữa các nhà máy công nghiệp
KCN Nam Cầu Kiền có tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn ở cấp vùng, bởi những định hướng mở rộng và xây dựng khu công nghiệp tại các địa phương khác, như Quảng Ninh, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa…
Với hạ tầng sinh thái và di sản mà Nam Cầu Kiền xây dựng được, khu công nghiệp đã được Sở Du lịch và Sở Giáo dục Hải Phòng lựa chọn là 1 trong 19 điểm thăm quan du lịch trải nghiệm, học tập cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố.Việc triển khai thí điểm mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam đã ghi nhận các kết quả khả quan, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.
Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền- Shinec tại Thủy Nguyên, Hải Phòng được ghi nhận là một trong những mô hình hàng đầu trong cả nước về phát triển xanh và bền vững. Để làm rõ hơn về mô hình kinh tế tuần tuần với chuỗi liên kết công sinh tại đây, Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Shinec (chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền).
An sinh cho vùng đệm
- Nam Cầu Kiền là khu công nghiệp sinh thái đầu tiên tại Việt Nam hoàn toàn mang dấu ấn bản địa được kết hợp hài hòa giữa bảo vệ môi trường và hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn. Xin ông chia sẻ đôi điều về căn cứ cơ sở trong quá trình khởi sự xây dựng dự án?
Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp: Bên cạnh những căn cứ về điều kiện tự nhiên, như vị trí địa lý, khí hậu-thời tiết, đất đai-thổ nhưỡng-nguồn nước, chúng tôi có những khảo sát ngay từ đầu về nguồn nhân lực (tháng 8/2007) tại gần 19.000 hộ gia đình có đất thu hồi cho dự án, trong đó 74% là hộ làm nông nghiệp. Cụ thể, dự án đề ra mục tiêu đầu tiên là giải quyết bài toán thu nhập cho các gia đình để đảm bảo việc làm và thu nhập, chống đói nghèo.
Đơn cử, một hộ gia đình có 6 người (hai ông bà từ 60-70 tuổi, cặp đôi-người chồng làm công nhân, thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng, người vợ sau khi thu hồi đất lại không có việc làm và hai con nhỏ đang đi học). Gia đình này có 6 sào ruộng bị thu hồi và hiện còn căn nhà 3 gian và 2 sào vườn. Bài toán đặt ra với tập quán địa phương và trên diện tích hiện có, hộ gia đình có thu nhập ít nhất 6 triệu đồng/tháng để đảm bảo cuộc sống và nuôi hai con ăn học.
Đây là ví dụ điển hình để phát triển mô hình sản xuất hàng loạt cho toàn bộ khu vực xung quanh khu công nghiệp. Trên cơ sở đó, Shinec đã tập hợp dự án phát triển vùng đệm nông nghiệp nhằm tạo điều kiện cho người dân các xã bị thu hồi đất phát triển trồng trọt, chăn nuôi hộ gia đình và hình thành các mô hình trang trại, nhằm đảm bảo lợi ích bền vững giữa khu công nghiệp và nông dân xung quanh.
Shinec đã thực hiện chuyển giao khoa học công nghệ giúp người dân tận dụng tối đa diện tích đất hoang hóa, cải tạo môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật mới, trồng cây, nuôi con hợp lý, xen kẽ để cải tạo nguồn lương thực, thực phẩm, chất lượng cao, đa dạng hóa chủng loại phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân và nhu cầu thực phẩm lớn tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền. Bên cạnh đó, Shinec đã xây dựng hệ thống phân phối, hoàn thiện từ khâu định hướng thực phẩm-sản xuất-kiểm định-thu mua. Mục đích phân phối lương thực từ người sản xuất đến tận tay người tiêu dùng, tạo ra lợi ích hài hòa giữa hai bên, đảm bảo phát triển bền vững.
Vòng tròn có thể bắt đầu và không kết thúc
- Ông cho biết quy trình công nghiệp cộng sinh nhằm đảm bảo tính tuần hoàn cũng như bảo vệ môi trường, thúc đẩy sản xuất-kinh doanh trong trong Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền?
Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp: Bước tiến của nền kinh tế tuần hoàn là con đường vòng tròn, có thể bắt đầu nhưng không kết thúc. Từ những nghiên cứu tổng quan thực trạng khu công nghiệp tại Việt Nam và những khảo sát, đánh giá về mô hình điểm tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, có thể khái quát kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp là mô hình liên kết cộng sinh của một nhóm hoặc một cộng đồng doanh nghiệp. Họ dựa vào khai thác và sử dụng hai dòng tài nguyên vệ tinh và tài nguyên trực tiếp tham gia vận hành sản xuất để tạo ra chu trình luân chuyển vật chất bền vững từ các hệ thống thiết kế tổng thể.
Toàn bộ quá trình liên kết cộng sinh, ban quản lý khu công nghiệp hoặc chủ đầu tư đóng vai trò quan trọng từ định hướng đến vận hành, nhằm hướng tới việc cân bằng ba trục: Kinh tế-Môi trường-Xã hội. Chúng tôi đang xây dựng một tầm nhìn với ba vòng tuần hoàn: Vòng một là mô hình cộng sinh trong khu công nghiệp (vòng lõi). Vòng hai là xây dựng mô hình cộng sinh vùng (ví dụ các khu công nghiệp tại Hải Phòng xây dựng mô hình cộng sinh). Vòng ba là vòng tròn liên kết lan tỏa toàn đất nước.
Hiện các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái tại Nam Cầu Kiền có thể đáp ứng về mặt nghiên cứu cả hai phương pháp kinh tế tuần hoàn: “Theo quy mô nền kinh tế, thành lập các không gian địa lý” và “Theo nhóm ngành, sản phẩm nguyên vật liệu.”
Thứ nhất, ở quy mô nền kinh tế (hoặc thành lập các không gian địa lý) có nhiều cấp độ khác nhau, có thể là nền kinh tế ở cấp địa phương (khu công nghiệp, thành phố, tỉnh) hay nền kinh tế ở cấp vùng (liên tỉnh, liên thành phố), cấp quốc gia hoặc thậm chí là cấp liên quốc gia. Nếu xét ở góc độ cấp địa phương, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã kết nối các hoạt động kinh doanh và sản xuất thành vòng tuần hoàn vật liệu trong một không gian kinh tế nhất định (trong nội tại khu công nghiệp và giữa các doanh nghiệp của Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với các doanh nghiệp bên ngoài hoặc các hoạt động kinh tế-xã hội bên ngoài).
Trong tương lai, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có tiềm năng phát triển kinh tế tuần hoàn ở cấp vùng, bởi những định hướng mở rộng và xây dựng khu công nghiệp tại các địa phương khác, như Quảng Ninh, Gia Lai, Hậu Giang, Khánh Hòa…
Thứ hai là cách tiếp cận không giới hạn ở phạm vi một không gian hay một hệ thống kinh tế nhất định, trong đó tập trung theo nhóm ngành, sản phẩm hoặc nguyên vật liệu. Thực tế hoạt động sản xuất công nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đang thực hiện theo phương pháp này và tạo nên vòng tròn cộng sinh công nghiệp đối với các ngành nghề chủ lực.
Rừng xanh trong khu công nghiệp
- Điểm sáng tạo khác biệt ở Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền là chú trọng đến môi trường thiên nhiên gắn kết với yếu tố di sản. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Tiến sỹ Phạm Hồng Điệp: Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền có diện tích 263 ha với hơn 80 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất đa dạng lĩnh vực và ngành nghề. Mọi sự tác động lớn-nhỏ của khu công nghiệp đều làm ảnh hưởng tới hệ sinh thái. Tuy nhiên, khu công nghiệp hướng tới quy hoạch thông minh, xây dựng không gian kết nối hài hòa với thiên nhiên, giảm tối đa tác động môi trường.
Tầm quan trọng về đa dạng sinh học trong không gian khu công nghiệp là vô cùng lớn và gắn kết với sự phát triển kinh tế. Với nhận thức đó, Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền đã hình thành Hệ sinh thái thiên nhiên mới trong môi trường công nghiệp. Theo đó, quy hoạch tổng mặt bằng được xác định đảm bảo phân khu chức năng chặt chẽ giữa các lô đất với nhau, có sự phù hợp về công năng và môi trường, khoảng cách an toàn đối với các khu dân cư xung quanh đồng thời ít ảnh hưởng nhất đến hiện trạng đất khu vực.
Cụ thể, khu công nghiệp có mật độ xây dựng hợp lý và những dải cây xanh bố trí xen kẽ với hệ thống kênh điều hòa, nằm dọc theo các tuyến đường. Hệ thống giao thông được xử lý linh hoạt và đồng bộ nhằm tạo ra một Khu công nghiệp Xanh, hiện đại. Như vậy, hệ thống cây xanh, mặt nước, hệ thống kênh và các hồ điều hòa góp phần đảm bảo về sự thông thoáng, cảnh quan và thân thiện, hạn chế tối đa sự phát tán các chất ô nhiễm ra môi trường, góp phần điều hòa khí hậu cho khu vực xung quanh. Khu công nghiệp thiết kế ưu tiên nhóm ngành tại các vị trí phù hợp, như bố trí các ngành xử lý chất thải, xử lý các sản phẩm phụ đảm bảo công nghệ thân thiện với môi trường, đáp ứng nhu cầu xử lý nhanh nhất, giảm thiểu tối đa chất thải ra khỏi môi trường. Trên cơ sở đó, các dự án của doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải đáp ứng yêu cầu đáp ứng tỷ lệ cây xanh ít nhất là 20%. Mặt khác, KCN Nam Cầu Kiền cũng tuân thủ đầy đủ quy định đảm bảo tối thiểu tổng diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung đạt trên 25% tổng diện tích quy hoạch. Nhờ vậy, các loài thực vật tại khu vực đất thu hồi được trồng tại hạ tầng khu công nghiệp vẫn giữ nguyên đặc tính.
Bên cạnh đó, khu công nghiệp đã tăng cường đa dạng sinh thái khi bổ sung các loài thực vật mới với hơn 150 loài hoa, hơn 500 loài cây xanh, cây bóng mát, cây trồng lâu năm cùng 50 loài cây ăn quả và hàng chục hecta thảm cỏ, cây bụi, cây xanh, mặt nước cũng như các loài thủy sản như cá, tôm, cua, rêu…và sinh vật phù du khác. Theo tính toán của công ty, lượng khí thải được cắt giảm từ hoạt động của các loài cây xanh đạt khoảng 7.000 tấn CO2/năm, lượng khí thải dự kiến cắt giảm nh lắp đặt điện năng lượng Mặt Trời toàn khu công nghiệp góp phần giảm tới 40.000 tấn CO2/năm. Việc đất đai được cải tạo, giảm ô nhiễm, khai thác, tích hợp các cảnh quan thân thiện đã giúp nâng cao hiệu quả và giá trị của đất. Việc giảm tất cả các nguồn ô nhiễm xuống cấp độ 0 nhằm đảm bảo môi trường cho sức khỏe con người và các loài sinh vật trong khu công nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!