Bài 3: Để mỗi công dân là hình ảnh đẹp của đất nước
Việc người Việt hiểu và chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, thể hiện sự tôn trọng và thái độ ứng xử văn minh, sẽ góp phần làm đẹp hình ảnh con người Việt Nam trong bạn bè Nhật Bản.
“Quốc có quốc pháp. Gia có gia quy.” Khi sống ở nước ngoài, công dân Việt Nam phải tuân thủ luật pháp nước sở tại và của Việt Nam cũng như các quy định và các cam kết đã có với các tổ chức mình tham gia.
Tất cả các điều khoản luật pháp, các quy định đều nhằm đảm bảo an toàn cho con người, đảm bảo an ninh cho xã hội và đảm bảo hiệu quả của công việc.
Vì vậy, việc hiểu và tuân thủ pháp luật nước sở tại cũng như các quy định và các cam kết với các tổ chức của mình trước hết là đảm bảo quyền và lợi ích cho chính công dân Việt Nam.
Một điều rõ ràng là khi hiểu được luật pháp Nhật Bản thì cuộc sống của người Việt Nam tại đây sẽ dễ dàng hơn, an toàn hơn, hiệu quả hơn và nhiều cơ hội hơn.
Ông Phan Tiến Hoàng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhận định kỹ năng nghề nghiệp tốt và một lý lịch trong sạch không chỉ thuận lợi cho công việc, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho lao động Việt Nam.
Nguyễn Thị Anh Hằng và Hoàng Nông Bộ là minh chứng việc người Việt Nam có thể dễ dàng nắm bắt cơ hội để trở thành những lao động cốt cán cho doanh nghiệp Nhật Bản.
Cả hai đều tốt nghiệp Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, được Công ty Thi công Đường nước Takara ở Tokyo tuyển dụng khi còn là sinh viên đại học năm thứ 5. Sau khi trải qua một năm đào tạo tiếng Nhật tại Đà Nẵng, hai bạn trẻ đã đến Nhật Bản với tư cách lưu trú kỹ sư.
Cả hai đã có tới 6 năm làm việc cho công ty Takara. Cần cù, có năng lực và hòa nhập tốt với môi trường mới, Hằng và Bộ không chỉ được chủ doanh nghiệp tin tưởng và trọng dụng mà còn nhận được sự quý mến từ đồng nghiệp Nhật Bản.
Anh Ishikawa Yuta, đồng nghiệp của Bộ, cho biết anh đã có thời gian làm việc với Bộ nhiều năm và cũng là người phỏng vấn Bộ tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Hai người cùng làm trong bộ phận thiết bị kiến trúc, chủ yếu thiết kế, thi công và kiểm tra chất lượng thi công của công trình.
Anh Yuta đánh giá năng lực của Bộ hoàn toàn không thua kém các đồng nghiệp Nhật Bản, thậm chí có thể nói là kỹ sư có năng lực hàng đầu của công ty. Với anh, Bộ là một người nghiêm túc, chăm chỉ, kiên định trong công việc song lại rất cởi mở và hòa đồng.
Anh Ogashiwa Ryosuke, có 3 năm làm việc cùng Hằng tại công ty Takara, cho biết công việc của Hằng là thiết kế các bản vẽ thi công, các tài liệu liên quan để anh sử dụng khi đi kiểm tra công trình và trong các cuộc họp và trao đổi với các chủ đầu tư.
Đánh giá về năng lực của Hằng, anh Ryosuke chia sẻ anh thấy may mắn vì được làm việc với một đồng nghiệp có năng lực như Hằng. Các bản vẽ của Hằng có độ chính xác cao, dễ hiểu, chi tiết, đầy đủ các kích thước, giúp cho người thi công dễ dàng nắm bắt để thực hiện.
Theo Giám đốc Công ty Takara, ông Nishizaki Tatsuya, công ty hiện có 50 lao động nước ngoài, trong đó có khoảng 30 lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam là kỹ sư thực hiện nhiệm vụ thiết kế và triển khai bản vẽ thiết kế.
Các thực tập sinh Việt Nam sẽ dựa trên các bản vẽ thiết kế để trực tiếp thi công ngoài công trình. Các lao động Việt Nam rất cần cù và chăm chỉ.
Đề cập đến kế hoạch tương lai, ông cho biết dự kiến hằng năm sẽ tuyển dụng 12 người, trong đó 10 người từ Đại học Kiến trúc Đà Nẵng và 2 người từ Trường Cao đẳng Kỹ thuật-Kinh tế-Thủy lợi miền Trung.
Ông nhận xét các lao động Việt Nam tại công ty có những tính cách giống người Nhật như chăm chỉ và tuân thủ nghiêm túc kỷ luật lao động. Chính vì vậy, đối với ông, lao động Việt Nam là những người bạn, những đối tác quan trọng và là những nhân viên ưu tú.
Ông Nguyễn Đức Minh, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng việc người Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Nhật Bản chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp Nhật Bản là điều quan trọng. Nếu như rơi vào những vướng mắc không cần thiết do thiếu hiểu biết, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực và trực tiếp đến bản thân người lao động.
Ông nhận định Nhật Bản vốn nổi tiếng về các quy định xã hội chặt chẽ và được người dân tuân thủ rất nghiêm ngặt, vì vậy sẽ rất đáng tiếc nếu chỉ vì những lỗi vô tình khiến cho một du học sinh hay lao động Việt Nam bị mất tư cách cư trú tại Nhật Bản, đánh mất tất cả những nỗ lực trước đó của mình, mất đi cơ hội phát triển, xây dựng và cống hiến.
Với quan điểm tạo điều kiện để công dân Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản hiểu và làm đúng pháp luật Nhật Bản là điều rất cần thiết, trong thời gian qua, Đại sứ quán đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, các hội đoàn của Việt Nam tại đây để thực hiện nhiều chương trình cụ thể với nội dung phong phú, giúp cho người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt được các quy định luật pháp của Nhật Bản.
Đó là “Cuộc thi tìm hiểu pháp luật Nhật Bản” dành cho người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nhật Bản được tổ chức với sự phối hợp tư vấn của Sở Cảnh sát Tokyo và sự bảo trợ của Đại sứ quán; sự kiện Sở Cảnh sát Tokyo trao tặng Đại sứ quán Tài liệu hướng dẫn Luật Giao thông hay chương trình “Pháp luật Nhật Bản không khó!” do Kênh truyền thông người Việt tại Nhật (Honto TV) thực hiện…
Hiểu biết tất cả các điều luật là điều khó khăn ngay cả đối với người bản xứ. Đối với người nước ngoài tại Nhật Bản, điều này càng trở nên phức tạp hơn vì rào cản ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, phong tục, tập quán và thông lệ.
Chính vì vậy, mục tiêu của các chương trình là phổ biến những điều luật, quy định phổ thông hay gặp trong cuộc sống nhất như luật giao thông đường bộ, các quy định về mở và sử dụng tài khoản ngân hàng, luật sử dụng thẻ ngoại kiều, luật đăng ký kinh doanh…
Ông Tanaka Hironori, cán bộ Phòng Chính sách quốc tế thuộc Sở Cảnh sát Tokyo, nhấn mạnh việc tìm hiểu, nắm rõ và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật là một nội dung rất quan trọng để những người nước ngoài nói chung và người Việt Nam nói riêng có một cuộc sống an toàn và an tâm tại Nhật Bản.
Ông tin tưởng rằng các chương trình tuyên truyền sẽ đóng vai trò cầu nối, lan rộng hơn nữa những kiến thức pháp luật cần thiết trong cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản.
Người Việt Nam có câu “Nhập gia tùy tục” – với ý nghĩa là khi vào nhà người khác hoặc đến một cộng đồng mới, cần tôn trọng và tuân thủ phong tục, tập quán của nơi đó.
Những du học sinh, những người lao động Việt Nam trên "xứ Phù Tang" đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản, ở góc độ nhất định cũng là đại sứ của Việt Nam tại quốc gia này, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Vì vậy, việc người Việt hiểu và chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, thể hiện sự tôn trọng và thái độ ứng xử văn minh, sẽ góp phần làm đẹp hình ảnh con người Việt Nam trong bạn bè Nhật Bản và vun đắp thêm cho tình hữu nghị vốn rất tốt đẹp giữa hai nước./.
Bài 1: Khi cuộc sống du học là sự trưởng thành
Bài 2: Tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho cộng đồng người Việt tại Nhật