Bài 2: Phát huy truyền thống, chủ động đổi mới, sáng tạo trong dạy và học
Từ những "viên gạch" đầu tiên được các giáo viên tình nguyện miền xuôi xây dựng, các thế hệ nhà giáo Điện Biên đã tiếp tục phát huy truyền thống, ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao.
Cô Hiệu trưởng Trần Thị Bích Nga của Trường Trung học cơ sở Pom Lót (Điện Biên) vội vã quay đi lau giọt nước mắt vừa trào rơi vì xúc động khi hoạt cảnh của học sinh diễn lại cảnh từng đoàn dân công với xe đạp thồ tiến ra mặt trận, hình ảnh hình ảnh anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Bế Văn Đàn chèn thân cứu pháo… Những sự kiện lịch sử hào hùng của 70 năm về trước, chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” nay được các em học sinh tái hiện ngay tại sân trường đúng vào ngày 13/3 – ngày mở màn của chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
“Tôi xúc động và tự hào vì những hy sinh của thế hệ cha ông và vì cả những học trò của mình hôm nay đã tái hiện thành công chiến trận oai hùng bằng kiến thức lịch sử và bằng cả trái tim của các em,” cô Nga chia sẻ.
[Bài 1: Những người thầy tiên phong mang ánh sáng giáo dục thắp sáng đại ngàn]
Là Hiệu trưởng của ngôi trường giàu truyền thống trong cả thành tích học tập và hoạt động phong trào, cô Nga còn tự hào vì thế hệ giáo viên, học sinh hôm nay đã tiếp nối và giữ vững được truyền thống tốt đẹp ấy ngày một phát triển phong phú hơn, đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện mà toàn ngành giáo dục đang nỗ lực triển khai theo Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.
Tiếp nối truyền thống, giữ ngọn lửa nghề
Cô Nga cho biết trường đã nhiều lần đón các giáo viên thế hệ trước về thăm như thầy Lê Thúc Kỷ, cô Trần Thị Ngọc Diễm… Được nghe các thầy cô kể về những ngày xưa gian khó dựng lớp, mở trường, ăn đói, mặc rách để có ngôi trường Pom Lót hôm nay. "Chúng tôi thấy mình đã thật may mắn và vì thế càng phải nỗ lực hơn để xứng đáng với những đóng góp, hy sinh của các thầy cô, phải giữ ngọn lửa nghề," cô Nga chia sẻ.
Năm 1962, thầy Lê Thúc Kỷ trở thành hiệu trưởng đầu tiên của Trường Sam Mứn (sau đổi thành Trường cấp 1-2 Pom Lót). Cũng tại ngôi trường này, năm 1963, thầy đã gặp, yêu và cưới cô giáo Trần Thị Ngọc Diễm - cô gái Hà Nội vừa tốt nghiệp Trường Trung cấp sư phạm Hà Nội đã tình nguyện lên miền núi dạy học theo tiếng gọi của Đảng và lý tưởng của Đoàn. Cô Diễm trở thành nữ giáo viên bậc trung học cơ sở đầu tiên của huyện Điện Biên và cũng là người tiên phong đưa phong trào đoàn, đội lên với học sinh nơi đây.
Cô phổ biến cho các em về điều lệ, nghi thức đội, đặt các tiêu chí để học sinh phấn đấu vào đội, vào đoàn, dạy các em cách quàng khăn đỏ, khơi dậy các phong trào cả trong học tập và lao động như hoạt động tập thể dục, truy bài đầu giờ, sân khấu hóa tác phẩm văn học, diễn lại những sự kiện lịch sử… Học sinh rất phấn khởi, hào hứng tham gia. Trường Pom Lót trở thành điển hình về hoạt động phong trào.
Kết quả học tập theo đó cũng có những chuyển biến rõ rệt. Toàn tỉnh Lai Châu khi đó chỉ có duy nhất một học sinh được Bác Hồ gửi thư khen cũng học sinh của trường, là em Lò Ngọc Kim với thành tích đạt 5/5 điểm ở tất cả các môn… Rất nhiều học trò ngày ấy giờ đã trưởng thành, công tác ở nhiều vị trí khác nhau và vẫn giữ liên lạc với thầy cô.
"Khi sơ tán trong rừng tre, một phóng viên Ba Lan đến thăm trường và cho biết họ rất ngạc nhiên, không thể ngờ trong rừng tre, dưới bom đạn lại vẫn có một ngôi trường với phong trào dạy và học sôi nổi như vậy,” cô Trần Thị Ngọc Diễm tự hào kể.
Tiếp nối truyền thống ấy, Trường Trung học cơ sở Pom Lót hôm nay cũng là một trong trường tiêu biểu của Điện Biên trong giáo dục đào tạo và phong trào đoàn, đội với rất nhiều hoạt động.
Để dạy về lịch sử, trường trường tổ chức cuộc thi video clip giới thiệu về các địa danh lịch sử địa phương cho học sinh, tổ chức cho học sinh thăm quan các di tích, trải nghiệm “em làm chiến sỹ Điện Biên”, sân khấu hoá các sự kiện lịch sử… Để học sinh hiểu hơn về sự hy sinh của thế hệ cha ông, trường tổ chức cho học sinh gặp gỡ các cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng thầy cô đi tặng quà các gia đình chính sách… Để phát triển văn hóa đọc, trường tổ chức thi thuyết trình, thi kể chuyện theo sách. Để dạy giáo dục địa phương, trường tổ chức sự kiện hội chợ cho học sinh trưng bày, giới thiệu các đặc sản quê hương… Để kết nối gia đình, nhà trường trong giáo dục học sinh, người dân, phụ huynh được mời đến xem để vừa cổ vũ học sinh, vừa hiểu về các hoạt động giáo dục của trường, từ đó có sự ủng hộ và đồng hành…
“Các hoạt động này đều mang lại rất nhiều hiệu quả giáo dục, vừa giúp học sinh chủ động tìm kiếm thông tin, mở rộng kiến thức, vừa hiệu quả trong giáo dục về tình yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc, lòng biết ơn. Qua đó, tự trong bản thân các em sẽ khơi gợi về trách nhiệm của thế hệ trẻ và ước mơ đóng góp cho quê hương. Các em cũng được rèn luyện nhiều kỹ năng như kỹ năng phối hợp nhóm, kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, sự mạnh dạn, tự tin. Đó cũng là những phẩm chất, kỹ năng mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 hướng đến,” cô Trần Thị Bích Nga cho hay.
Chia sẻ “bí quyết” để một ngôi trường miền núi vẫn có thể triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, phong phú, cô Nga bảo bí quyết lớn nhất chính là tình yêu nghề, hết lòng vì học trò đã khích lệ người thầy không ngừng học hỏi, không ngại thay đổi, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong thử nghiệm cái mới để mang đến những bài giảng hiệu quả và khác với truyền thống.
Tiên phong xây dựng mô hình giáo dục mới vì học trò
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sẵn sàng tiếp nhận cái mới, không ngại thay đổi cũng là tinh thần chung của giáo dục Điện Biên, từ quan điểm định hướng của lãnh đạo ngành đến các giáo viên.
Với tinh thần đó, từ thực tiễn giáo dục địa phương, Điện Biên đã mạnh dạn triển khai nhiều mô hình mới, đem lại hiệu quả giáo dục rõ rệt, được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhân rộng trên cả nước, là căn cứ thực tiễn để Đảng, Nhà nước triển khai các chính sách hỗ trợ giáo dục cho học sinh vùng khó.
Là tỉnh miền núi có thu nhập bình quân đầu người thuộc mức thấp nhất cả nước nhưng Điện Biên là tỉnh tiên phong trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi từ trước khi Chính phủ có chủ trương phổ cập giáo dục ở bậc học này.
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, với 85% học sinh trên địa bàn là người dân tộc thiểu số, giáo dục của Điện Biên cũng chính là giáo dục dân tộc. Học sinh lên lớp 1 học tiếng Việt như người Kinh học ngoại ngữ. Vì vậy, để học sinh vào lớp 1 có thể tiếp thu kiến thức tốt nhất, tỉnh đã quyết định triển khai dạy tăng cường tiếng Việt cho mầm non 5 tuổi. Từ mô hình của Điện Biên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng đề án dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi, triển khai ở nhiều tỉnh, thành có học sinh dân tộc thiểu số.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tăng cường tiếng Việt mẫu giáo 5 tuổi, Điện Biên thực hiện mô hình nhà 3 cứng (nền cứng, mái cứng, khung cứng) nhằm kiên cố hoá trường lớp, xoá phòng học tạm, xây nhà công vụ cho giáo viên. Năm 2014, Điện Biên trở thành tỉnh thứ 22 trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước hoàn thành phố cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh nghèo.
Cũng từ thực tế giáo dục vùng cao, khi học sinh phải trèo đèo, lội suối đi học quãng đường rất xa, để tạo điều kiện tốt nhất cho các em có thể duy trì việc học, Điện Biên đã xây dựng mô hình bán trú dân nuôi khi từ Nhà nước còn chưa có chế độ hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Hiệu quả của mô hình bán trú dân nuôi ở Điện Biên đã trở thành căn cứ thực tiễn quan trọng để Trung ương xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh bán trú.
Điện Biên cũng là tỉnh tiên phong trong thành lập các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Tỉnh có 10 huyện, thị, thành phố thì có tới 9 trường trung học phổ thông dân tộc nội trú. Ông Đoạt cho hay, trước đây, trường dân tộc nội trú ở các huyện chỉ là trường trung học cơ sở và quy mô nhỏ, nhưng từ năm 2009, tỉnh Điện Biên đã nâng cấp các trường này lên trung học phổ thông và nâng quy mô lên 300 em.
“Theo chủ trương của tỉnh, đến năm 2025, quy mô các trường dân tộc nội trú sẽ nâng lên 400-450 em, riêng trường dân tộc nội trú tỉnh nâng lên hơn 1.000 em. Đây là những trường có chất lượng tốt nhất để phục vụ cho học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Qua các kỳ thi trong 5 năm trở lại đây, các trường dân tộc nội trú đều có tỷ lệ học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 100%, nhiều em đỗ vào các trường đại học ngay từ năm đầu,” ông Đoạt cho hay.
Chủ động tiếp cận đổi mới phương pháp giáo dục
Không chỉ tiên phong trong các mô hình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục, Điện Biên còn rất tích cực trong đổi mới phương pháp giáo dục.
“Chúng tôi biết điểm yếu của mình khi Điện Biên là vùng cao, cách xa trung tâm chính trị của cả nước nên việc tiếp cận những đổi mới sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, trong nhiều năm qua, Điện Biên luôn tích cực kiến nghị, đề xuất với Bộ Giáo dục Đào tạo, các Cục, Vụ của Bộ về việc được tham gia thí điểm các chương trình mới như VNEN…,” Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên Nguyễn Văn Đoạt chia sẻ.
Theo ông Đoạt, với các chương trình thí điểm, giáo viên sẽ có điều kiện được tập huấn bài bản và kỹ càng hơn từ đội ngũ chuyên gia, được tiếp cận các chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến, từ đó có sự thay đổi trong cách dạy và học, trong tư duy giáo dục, ứng dụng công nghệ. Điều này đã tạo tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi giáo viên nhiều địa phương gặp lúng túng thì giáo viên Điện Biên đã có sự thích ứng nhanh chóng.
Bên cạnh đó, vì “biết mình” nên Điện Biên cũng “đón đầu” chương trình giáo dục phổ thông mới từ rất sớm, ngay khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. “Từ năm 2013, Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên đã động viên các thầy cô. Trước khi chương trình mới triển khai 1-2 năm, tỉnh đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng, đặc biệt là phải đả thông tư tưởng cho giáo viên và cán bộ quản lý. Tỉnh cũng nhanh chóng biên soạn Sách giáo khoa môn Giáo dục địa phương. Nhờ sự chủ động, chuẩn bị chu đáo nên ngay từ năm đầu tiên thực hiện, Điện Biên đã triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông mới,” ông Đoạt chia sẻ.
Là giáo viên trực tiếp đứng lớp, cô Trần Lan Anh, giáo viên dạy Toán Trường Trung học cơ sở Thanh An, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho hay cùng với các môn học khác, môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi rất nhiều. Vị trí của người thầy từ chỗ là người trao truyền kiến thức thì giờ học sinh là người chủ động khám phá kiến thức thông qua các hoạt động do giáo viên thiết kế, hướng dẫn các em triển khai. Môn Toán cũng có tính ứng dụng thực tiễn rất cao và có thêm các hoạt động trải nghiệm sáng tạo vốn không có trong chương trình cũ. Chương trình mới cũng đòi hỏi giáo viên phải tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin rất nhiều trong giảng dạy.
“Nhưng tôi không bỡ ngỡ cả trong soạn giảng, sử dụng công nghệ thông tin hay kiểm tra đánh giá vì trước khi chương trình mới được triển khai, tôi đã có 7-8 năm áp dụng chương trình VNEN – chương trình vốn có rất nhiều điểm tiệm cận với chương trình mới nên có thể thích nghi rất nhanh,” cô Lan Anh chia sẻ.
Hiểu sâu sắc về nghề giáo khi vừa có cả bố và mẹ đều là những giáo viên miền xuôi lên cắm bản, vừa có 26 năm thâm niên đứng lớp, cô Lan Anh nhấn mạnh: nghề giáo không chấp nhận sự dậm chân tại chỗ, đòi hỏi giáo viên phải luôn học hỏi.
“Khi tôi mới ra trường, giáo án soạn tay nhưng bây giờ là giáo án điện tử. Giáo viên ngày nay lên lớp không phải chỉ có bảng đen, phấn trắng mà còn rất nhiều công cụ đi kèm. Giờ học không đơn giản là thầy đọc, trò chép mà phải có rất nhiều hoạt động. Giáo viên ngày nay phải toàn diện hơn, năng động, sáng tạo, linh hoạt và tự chủ hơn rất nhiều,” cô Lan Anh nói.
Và với sự chủ động, sáng tạo từ các cấp quản lý đến giáo viên, ngành giáo dục tỉnh nghèo Điện Biên đã có bước tiến dài cả về số lượng và chất lượng trong giai đoạn mới./.
Bài 3: Giáo dục - "Ngôi sao sáng nhất" của tỉnh nghèo cực Tây Tổ quốc