Bác sỹ mang quân hàm xanh tận tụy với người dân ở vùng biên Nghệ An
Nhờ “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn, mà trực tiếp là bác sỹ Nguyễn Bá Lương, người dân ở bản Cao Vều, xã Phúc Sơn, đã được thăm khám khi ốm đau, và cứu chữa kịp thời khi gặp tai nạn.
Nghệ An có hơn 419km đường biên giới tiếp giáp Lào; khu vực biên giới có 27 xã thuộc 6 huyện và tại huyện Anh Sơn có duy nhất xã Phúc Sơn thuộc vùng biên giới.
Đầu năm 2019, khi mô hình “Tủ thuốc Biên cương’ của Đồn Biên phòng Phúc Sơn thuộc Bộ đội Biên phòng Nghệ An hoạt động, người dân ở khu vực biên giới đã quen với hình ảnh bác sỹ mang quân hàm xanh Nguyễn Bá Lương hàng ngày tận tình, cần mẫn thăm khám, điều trị, chăm lo sức khỏe cho người dân.
Với sự nhiệt tâm và những đóng góp lặng thầm trong công việc, Thiếu tá Nguyễn Bá Lương để lại ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí của người dân, trở thành cầu nối gắn kết tình quân dân nơi biên giới.
Lặng thầm cống hiến
Sau gần 1 giờ đồng hồ di chuyển trên tuyến đường lởm chởm đá và những khúc cua, con dốc cao, chúng tôi “chạm chân” vào cụm các bản xa xôi nhất của huyện Anh Sơn. Từ km20 tỉnh lộ 534C trở đi, người dân các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2, Cao Vều 3 và Cao Vều 4 (xã Phúc Sơn) với gần 400 hộ, hơn 1.340 nhân khẩu sinh sống dọc hai bên đường.
Bao bọc bản làng là dải núi cao thuộc dãy Trường Sơn Bắc và vành đai đại ngàn Pù Mát. Đây là khu vực duy nhất của huyện Anh Sơn có chung đường biên với nước bạn Lào (tiếp giáp với huyện Xaychamphone, tỉnh Bolikhamsai) với gần 27 km đường biên, 7 mốc (từ mốc 441 đến 447).
Mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Đồn Biên phòng Phúc Sơn đặt tại Tổ công tác thuộc bản Cao Vều 2, hoạt động từ tháng 2/2019. Bác sỹ Quân y Nguyễn Bá Lương (sinh năm 1973) phụ trách quản lý tủ thuốc, trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh và cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân.
Để có được cơ sở vật chất và khuôn viên khang trang, sạch sẽ với các phòng khám, phòng chờ, phòng bệnh nhân lưu trú, vườn thuốc…, các cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Phúc Sơn đã sửa chữa, vệ sinh, tôn tạo lại phân Trạm Y tế Cao Vều bị bỏ hoang từ năm 2014.
Hoàn tất việc khám, cấp phát thuốc và ghi chép dặn dò tỉ mỉ các bệnh nhân cao tuổi ở các bản Cao Vều 1, Cao Vều 2 khi thời gian đã quá trưa, bác sỹ Quân y Nguyễn Bá Lương mới tạm tháo gỡ ống nghe, lau những giọt mồ hôi đọng trên khuôn mặt ngăm đen vì rám nắng.
Bác sỹ Nguyễn Bá Lương chia sẻ ông chuyển về Đồn biên phòng Phúc Sơn công tác, gắn bó với người dân bản và mảnh đất vùng biên này đã hơn 5 năm. Trước khi chuyển về đây, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác tại nhiều địa bàn khó khăn; trong đó, gắn bó lâu nhất tại Đồn Biên phòng tuyến biển Quỳnh Thuận (huyện miền biển Quỳnh Lưu) và Trạm Y tế xã Keng Đu (huyện miền núi Kỳ Sơn).
Bác sỹ Nguyễn Bá Lương túc trực 24/24 giờ để khám, điều trị, chữa bệnh cho người dân. Mỗi ngày có từ 7-20 người đến khám, điều trị. Vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi, số người đến khám, nhận thuốc miễn phí nhiều hơn. Người dân đến khám, điều trị chủ yếu về các bệnh nền huyết áp, tim mạch, xương khớp, đau đầu, chóng mặt và các tai nạn thương tích xảy ra khi đi rừng, lao động sản xuất cần xử lý, khâu vá, băng bó.
Trẻ nhỏ chủ yếu là bệnh cấp tính viêm nhiễm đường hô hấp, đường ruột. Đối với các trường hợp nguy cấp, bác sỹ Lương sẽ liên hệ Trung tâm Y tế vào cứu chữa hoặc tư vấn cho bệnh nhân chuyển tuyến kịp thời.
Ngoài ra, bác sỹ Nguyễn Bá Lương luôn dành thời gian đọc tài liệu, trau dồi kiến thức y khoa, quét dọn khuôn viên, lau chùi bàn ghế, giường tủ, vệ sinh các trang thiết bị, dụng cụ y tế, chăm sóc vườn thuốc nam và trồng thêm nhiều loài cây thuốc trong vườn…
Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn, cho biết hơn 5 năm qua, Thiếu tá Nguyễn Bá Lương, bác sỹ Quân y phụ trách “Tủ thuốc biên cương” của đơn vị đã khám, điều trị và cấp phát thuốc miễn phí cho khoảng 5.000 lượt người.
Không chỉ người dân 4 bản biên giới của xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) mà công nhân của Công ty Cao Su Nghệ An đóng trên địa bàn cũng được khám, điều trị mỗi khi ốm đau. Ngoài các hoạt động khám, chữa bệnh, bác sỹ Lương còn tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phòng, chống dịch bệnh cho đồng bào khu vực biên giới. Những năm qua, trước những khó khăn về địa hình giao thông chia cắt, đi lại rất khó khăn, thời tiết khắc nghiệt nhưng bác sỹ Nguyễn Bá Lương luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tô thắm tình quân dân nơi biên cương
Ông Đặng Đình Lâm, Trưởng bản bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, chia sẻ bản có hơn 90 hộ với hơn 330 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Thái. Người dân nơi đây luôn coi bác sỹ Nguyễn Bá Lương như người con của bản, ân nhân của nhiều gia đình. Nhiều trường hợp gặp nguy hiểm, cấp bách đã được bác sỹ Lương kịp thời cứu chữa.
Cụ thể như trường hợp của chị Lô Thị Hằng (bản Cao Vều 3) vào tháng 6/2023. Hôm đó, chị Hằng đi chăn trâu ở mé rừng, bị đàn ong vò vẽ bất ngờ tấn công, đốt nhiều mũi vào những vị trí huyết đạo trên vùng đầu và mặt khiến chị khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, chóng mặt rồi ngất lịm ngay sau đó.
Khi phát hiện, dân bản đã hốt hoảng gọi điện cho bác sỹ Lương. Ít phút sau, bác sỹ đã có mặt, nhanh chóng dùng đá lạnh chườm đầu, để giảm đau, giảm sưng, hạn chế nọc độc phát tác; đồng thời, dùng thuốc kháng độc, gắp ngòi, sát khuẩn vết thương...
Nhờ đó, chị Hằng đã dần tỉnh và phục hồi sau 4 ngày. Đặc biệt, tại nhiều gia đình ở các bản vùng biên này, số điện thoại của bác sỹ Nguyễn Bá Lương được ghi rõ trên thưng ván nhà sàn bằng phấn trắng, than đen hoặc trên những mảnh giấy dán bên hiên nhà.
Lý giải điều này, ông Lô Thanh Tam (bản Cao Vều 2) cho biết dân bản làm như vậy để dễ thuộc số điện thoại của bác sỹ Lương, mỗi khi có việc cần thì nhanh chóng liên lạc. Người già, trẻ nhỏ cũng có thể mượn điện thoại của hàng xóm để gọi điện cho bác sỹ.
Ông Phan Văn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, cho biết đời sống kinh tế của người dân 4 bản khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Khi chưa có mô hình “Tủ thuốc biên cương,” những lúc ốm đau, bệnh tật, cần khám, chữa bệnh, người dân bản phải đi hơn 20km ra Trạm Y tế xã, rất vất vả, mất thời gian.
Vào mùa mưa bão, thường xảy ra lũ lụt, sạt lở, giao thông bị chia cắt, việc di chuyển của người dân, nhất là người già, trẻ em rất cơ cực. Mô hình “Tủ thuốc biên cương” của Bộ đội biên phòng đi vào hoạt động đã "hóa giải" những khó khăn, vất vả của người dân vùng biên trong khám, chữa bệnh.
Người dân yên tâm, tin tưởng bởi bác sỹ phụ trách tủ thuốc có y đức, tận tâm với nghề. Bà Vi Thị Thiết (sinh năm 1966, bản Cao Vều 2, xã Phúc Sơn), cho biết không kể ngày đêm, bác sỹ Quân y Nguyễn Bá Lương thường xuyên túc trực tại địa bàn để khám, chữa bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho người dân. Trường hợp nguy cấp người dân gọi điện, bác sỹ vượt núi, băng rừng kịp thời có mặt. Bác sỹ Lương rất nhiệt tình trong việc khám, điều trị cho bệnh nhân, luôn gần gũi với người dân bản.
Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Chính trị viên của Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết, mô hình “Tủ thuốc biên cương” hoạt động nhờ nguồn hỗ trợ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn và của đơn vị.
Thời gian qua, ngoài các trang thiết bị, thuốc men được cấp, Ban Chỉ huy đơn vị thường xuyên phối hợp, vận động, kêu gọi các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm chia sẻ ủng hộ thuốc nhằm đảm bảo phục vụ người dân chu đáo nhất. Qua đó, tạo được sự tin yêu, thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Từ đó, đơn vị đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ gìn ổn định an ninh trật tự địa bàn; thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội cùng cấp ủy, chính quyền địa phương./.