Australia tài trợ 300.000 USD nâng cấp hạ tầng đường thủy phía Bắc
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt văn kiện dự án Nghiên cứu đề xuất nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa phía Bắc, với tổng vốn hơn 320.000 USD từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Australia.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết Bộ vừa phê duyệt văn kiện dự án Nghiên cứu đề xuất nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc thuộc Chương trình hỗ trợ kỹ thuật ngành Giao thông Vận tải (Aus4Transport) giai đoạn 2017-2021 sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia.
Theo đó, tổng vốn dự án hơn 457.000 AUD, tương đương hơn 320.000 USD. Ban Quản lý các dự án đường thủy được giao làm chủ dự án. Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ quý 4/2023 đến quý 2/2024.
Bộ Giao thông Vận tải cho hay hiện nay, việc khai thác các tuyến luồng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc chủ yếu tận dụng vào các điều kiện tự nhiên hiện hữu. Các tuyến luồng đường thủy bị xói lở, bồi lắng theo thời gian, nhiều đoạn luồng bị thu hẹp bởi các hoạt động dân sinh.
Nhiều bãi đá ngầm, bãi cạn, cầu qua sông có tĩnh không thông thuyền hẹp, thấp, làm giảm đáng kể khả năng lưu thông thủy và tính hấp dẫn về khai thác vận tải đường thủy cũng như phát triển kinh tế-xã hội.
Để khắc phục một trong những điểm nghẽn mấu chốt này nhằm đảm bảo khai thác vận tải đường thủy nội địa khu vực phía Bắc một cách đồng bộ và hiệu quả, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc.
Việc nghiên cứu đề xuất đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc sẽ là bước khởi đầu nhằm góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Mục tiêu là góp phần giảm thiểu tắc nghẽn cũng như áp lực vận tải hàng hóa trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy then chốt và giảm chi phí vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất đến thị trường tiêu thụ, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ các vụ tai nạn trên các tuyến đường bộ, đường thủy.
Ngoài ra, việc nâng cấp đồng bộ mạng lưới giao thông nói chung và đường thủy nội địa khu vực phía Bắc nói riêng là cơ sở để phát triển mạng lưới vận tải đa phương thức.
[Đầu tư phát triển đường thủy nội địa cần khoảng 160.000 tỷ đồng]
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dự án, Bộ Giao thông Vận tải xem xét đề xuất Chính phủ cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư dự án theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải và kế hoạch đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa đã đề ra trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030.
Cũng theo văn kiện, kết quả chủ yếu dự án phải đạt được gồm: Báo cáo khởi động đánh giá hiện trạng về khả năng khai thác các hành lang đường thủy trên các tuyến sông, kênh khu vực nghiên cứu, bao gồm các nút thắt/điểm nghẽn về hạ tầng như tĩnh không cầu không đáp ứng tiêu chuẩn khai thác, bãi cạn/đá ngầm, bồi xói lòng và bờ sông, các khúc cong...; quản lý khai thác và năng lực các phương tiện vận tải.
Báo cáo giữa kỳ với kết quả đầu ra là danh mục các dự án kết cấu hạ tầng ưu tiên đầu tư trình Bộ Giao thông Vận tải. Nội dung bao gồm phân tích, dự báo lưu lượng hàng hóa, mật độ phương tiện hoạt động trên các tuyến luồng, đội tàu vận tải, yêu cầu kết nối giao thông giữa cảng bến thủy nội địa, cảng cạn và các tuyến gom/giải tỏa hàng hóa từ chân hàng đến hệ thống cảng biển theo các tuyến đường thủy nội địa tiềm năng.
Phân tích sự cần thiết đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa gồm nạo vét các khu vực cạn, các đoạn cong, các điểm chướng ngại vật, bãi đá ngầm; xây dựng các công trình chỉnh trị, nâng tĩnh không các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia chưa đáp ứng tĩnh không thông thuyền.
Báo cáo cuối kỳ, cũng là dự thảo báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng ưu tiên được chọn, với các nội dung: phân tích đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, chi phí-lợi ích tương ứng với quy mô đầu tư; phân tích so sánh, lựa chọn giải pháp kết cấu công trình; đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giải phóng mặt bằng và tái định cư, rà phá bom mìn vật nổ; báo cáo khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn và thiết kế sơ bộ các công trình, thiết bị công nghệ liên quan; tổng mức đầu tư, thời gian và nguồn vốn thực hiện./.