ASEAN và Nga thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới
ASEAN-Nga triển khai thành công các sáng kiến về công nghệ sinh học; an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; tài nguyên nước và công nghệ xử lý nước; vi điện tử và công nghệ thông tin...
Ngày 14/2, Hội nghị Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới ASEAN-Nga (ARMMSTI) đã diễn ra theo hình thức trực tuyến dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Giao thông và Thông tin Truyền thông Brunei Pengiran Dato Seri Setia Shamhary Mustapha và Bộ trưởng Khoa học và Giáo dục Đại học Nga Valery Falkov.
Hội nghị đã nhắc lại những dấu mốc và thành tựu của quan hệ đối thoại ASEAN-Nga trong suốt 26 năm qua và tái khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Nga trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) nhằm đạt được phát triển kinh tế bền vững trong khu vực.
Hai bên hoan nghênh việc triển khai Năm hợp tác khoa học và kỹ thuật ASEAN-Nga (ARYSTC 2022) với 52 sáng kiến được triển khai thành công trong các lĩnh vực công nghệ sinh học; an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững; tài nguyên nước và công nghệ xử lý nước; vi điện tử và công nghệ thông tin; khí tượng và địa vật lý; quản lý môi trường; công nghệ năng lượng và năng lượng tái tạo; công nghệ vũ trụ và ứng dụng; công nghệ hạt nhân; chăm sóc sức khỏe kỹ thuật cao và khoa học xã hội.
[ASEAN, Nga nhấn mạnh yêu cầu tăng cường quan hệ kinh tế song phương]
Hai bên nhất trí thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Kế hoạch hành động ASEAN-Nga về khoa học, công nghệ và đổi mới (ARPASTI) giai đoạn 2016-2025 trong 16 lĩnh vực chính, trong đó có trao đổi thông tin, thảo luận về triển vọng cùng nghiên cứu và phát triển các công nghệ quản lý môi trường; tư vấn và triển khai hoạch định chính sách STI; trao đổi chuyên gia; tăng cường liên kết giữa các tổ chức giáo dục và khoa học; hỗ trợ các dự án chung nhằm ngăn chặn sự bùng phát các bệnh truyền nhiễm.
Các lĩnh vực hợp tác này cũng bao gồm phát triển công nghệ vũ trụ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, bảo tồn và quản lý tài nguyên nước; phát triển các dự án công nghệ sinh học và y tế kỹ thuật cao, nghiên cứu vật liệu nano, phát triển thuốc và phương pháp điều trị bệnh ung bướu; thúc đẩy hợp tác sáng tạo nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững; mở rộng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để phát triển nông nghiệp bền vững./.