Ai thắng, ai thua khi chính quyền Tổng thống Syria Al-Assad sụp đổ?

Theo phân tích của Politico, dưới đây là những người chiến thắng và kẻ thua cuộc tiềm năng sau sự sụp đổ của chính quyền Syria dưới thời Tổng thống Bashar al-Assad.

Quân chính phủ Syria đã sụp đổ chóng vánh trước đòn tấn công của phiến quân. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang tin Politico vừa có bài phân tích sâu, đánh giá người được, kẻ mất sau những biến động lớn dẫn tới sự sụp đổ của chính quyền Syria mới đây.

Việc phiến quân tấn công chớp nhoáng các thành phố ở Syria, trước khi tràn vào thủ đô Damascus và buộc Tổng thống Syria Bashar Assad phải chạy ra nước ngoài, đã khiến thế giới phải quan tâm tìm hiểu những biến động mới nhất ở quốc gia Trung Đông và xem xét hậu quả của nó.

Theo phân tích của Politico, dưới đây là những người chiến thắng và kẻ thua cuộc tiềm năng sau sự sụp đổ của ông Assad.

Bên thắng cuộc

Người dân Syria đã phải chịu đựng cuộc nội chiến kéo dài 14 năm. Cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng của từ 470.000 đến 600.000 người, khiến nó trở thành cuộc xung đột chết chóc thứ hai trong thế kỷ 21, sau Chiến tranh Congo lần thứ hai.

Hơn 13 triệu người Syria đã phải bỏ nhà ra đi do cuộc xung đột, với 6,2 triệu người chạy trốn ra nước ngoài. Cuộc chiến đã tạo ra bối cảnh tốt cho sự trỗi dậy của nhóm thánh chiến cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Liệu người dân Syria bình thường có phải bên thắng cuộc hay không còn phụ thuộc vào những gì xảy ra tiếp theo ở trong nước, cũng như việc Syria có thể tránh được nhiều bạo lực hơn và phát triển theo hướng hòa bình hay không. Một số người lo ngại sẽ có một khoảng trống quyền lực xuất hiện, khiến các phe phái chính trị và các nhóm tôn giáo khác nhau của đất nước xung đột.

Ngoài ra còn có một số lý do khác để lo ngại. Hayat Tahrir al-Sham (HTS), phe nổi dậy chính ở Syria, bị Mỹ xem là một nhóm khủng bố. Thủ lĩnh của nhóm, Abu Mohammed al-Jolani, có lịch sử lâu dài tham gia chủ nghĩa thánh chiến. Nhân vật này là cựu đồng minh của Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh nhóm IS đã bị tiêu diệt. Sau thời gian là đồng minh, cặp đôi này đã bất đồng về chiến thuật và trở thành đối thủ.

HTS đã tách khỏi nhóm khủng bố al-Qaeda và al-Jolani đã nỗ lực biến nhóm của ông ta, với khoảng 30.000 chiến binh, thành một lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc. Ông ta cũng áp dụng giọng điệu hòa giải đối với các nhóm tôn giáo thiểu số của Syria. Tại vùng đất Idlib mà HTS điều hành từ năm 2016, nhóm này đã làm dịu thái độ của mình đối với các nhóm thiểu số Cơ đốc giáo và Druze.

Khi chiếm được Aleppo, al-Jolani hứa với những người theo đạo Cơ đốc rằng họ sẽ được an toàn và các nhà thờ trong thành phố có thể hoạt động mà không bị quấy rối.

Câu hỏi đặt ra là liệu al-Jolani và HTS có thực sự từ bỏ gốc rễ cực đoan của mình hay không. Hôm thứ Sáu tuần trước, al-Jolani cho biết nhóm đã phát triển và việc tái thiết Syria hiện là ưu tiên hàng đầu. “HTS chỉ là một phần của cuộc đối thoại này và nó có thể tan rã bất cứ lúc nào. Bản thân nó không phải là mục đích, mà là phương tiện để thực hiện nhiệm vụ đối đầu với chế độ”, ông ta tuyên bố với CNN.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và ông Assad từng là bạn bè. Nhưng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã ủng hộ phe nổi dậy khi chiến sự nổ ra cách đây gần 14 năm — chủ yếu vì đối thủ địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ là Iran đã ủng hộ chính quyền Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ là nước bảo trợ chính cho các nhóm đối lập Hồi giáo vũ trang của Syria. Khi chiến tranh nổ ra và các phe phái phiến quân ôn hòa và ủng hộ dân chủ thế tục hơn bị bỏ lại phía sau, hoặc bị các đối thủ Hồi giáo cứng rắn và kỷ luật hơn của họ đánh bại, bàn tay của Ankara cũng trở nên mạnh mẽ hơn.

Sự sụp đổ của Assad giờ đây có thể sẽ giúp Erdogan thúc đẩy chương trình nghị sự địa chính trị của mình, mang đến cho ông cơ hội đạt được một số mục tiêu chiến lược, bao gồm kiềm chế phong trào khai người Kurd ở Đông Bắc Syria, những kẻ có quan hệ chặt chẽ với phong trào ly khai người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Việc tái thiết Syria cũng có thể mang lại một khoản tiền lớn cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chiến thắng lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ — động thái thiên tài của Erdogan,” là những gì nhà kinh tế và chuyên gia bình luận Timothy Ash viết trong một bài đăng trên mạng xã hội X.

Iran đã nhanh chóng cáo buộc Israel dàn dựng vụ lật đổ Assad. Khi Aleppo rơi vào tay quân nổi dậy, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết đó là “âm mưu của chế độ Israel nhằm gây bất ổn cho khu vực”.

Mặc dù Tehran có thể đổ lỗi cho những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, không có bằng chứng nào cho thấy Israel hỗ trợ quân sự trực tiếp với phiến quân Syria. Hơn nữa, sự hỗ trợ như vậy sẽ không cần thiết vì Thổ Nhĩ Kỳ đang bảo trợ cho quân nổi dậy.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel Benjamin Netanyahu đã nói rằng sự sụp đổ của chính quyền Syria "là kết quả trực tiếp từ hành động mạnh mẽ của chúng tôi chống lại Hezbollah và Iran, những người ủng hộ chính của Assad." Ông cũng ra lệnh cho quân đội Israel tiếp quản các vị trí của quân đội Syria ở vùng đệm giữa Israel và Syria trên Cao nguyên Golan, nhằm "đảm bảo không có lực lượng thù địch nào xâm nhập ngay cạnh biên giới Israel" và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ sự hỗn loạn nào có thể bùng phát ở Syria.

Việc Assad bị lật đổ rõ ràng có lợi cho Israel. Nó đánh dấu sự suy yếu hơn nữa của quyền lực khu vực của Iran, loại bỏ một thành viên quan trọng của cái gọi là trục kháng chiến Tehran. Nếu không có Assad và một chế độ thân thiện ở Syria, Iran sẽ không có tuyến đường bộ nào để tiếp tế cho đối tác Hezbollah và hỗ trợ nhóm này trong cuộc chiến với Israel, khiến phong trào Shiite vũ trang của Liban trở thành một kẻ thua cuộc khác trong sự sụp đổ của Assad. Điều đó cũng có thể khiến Liban thoát khỏi sự kìm kẹp của Hezbollah và trở thành một quốc gia "bình thường" hơn.

Tù nhân bị giam giữ lâu nhất của Syria đã được trả tự do vào Chủ Nhật sau 43 năm ngồi tù. Ông bị giam giữ vào năm 1981 dưới thời Hafez Assad, cha của ông Assad. Ông được trả tự do vào ngày 8/12/2024 cùng với hàng nghìn tù nhân khác.

Bên thua cuộc

Bashar al-Assad đã để mặc người Kurd ở Syria tự xoay xở ở khu vực Đông Bắc đất nước, nơi họ được hưởng chế độ bán tự chủ. Liệu một chế độ mới ở Damascus, nếu do người Hồi giáo thống trị, có trao cho người Kurd quyền tự do tương tự hay không vẫn còn là dấu hỏi — đặc biệt là khi chế độ này mắc nợ ông Erdogan.

Tất nhiên, điều này phần lớn phụ thuộc vào cách thức Syria phát triển về mặt chính trị. Nhưng cuộc tấn công của quân nổi dậy Syria cũng đã chứng kiến ​​những lợi thế về lãnh thổ của những người Hồi giáo được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, chống lại nhóm chiến binh người Kurd được Mỹ, hay YPG. Nhóm này đã mất quyền kiểm soát một số thị trấn và làng mạc ở vùng nông thôn phía Đông Aleppo.

Người Kurd ở Syria khó có thể được trấn an bởi một bài đăng trên mạng xã hội của ông Donald Trump vào Chủ Nhật với nội dung rằng Syria đang hỗn loạn. "Mỹ không nên liên quan gì đến việc này. Đây không phải la cuộc chiến của chúng ta. Hãy để nó diễn ra. Đừng liên quan!," bài đăng có nội dung.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình với tư cách là Tổng thống Mỹ, Trump từng muốn rút toàn bộ lính đặc nhiệm Mỹ khỏi phía Đông Bắc Syria, nơi họ đã chiến đấu chống các chiến binh IS cùng với người Kurd. Lầu Năm Góc đã thuyết phục ông giữ lại một số quân được triển khai trong khu vực và ước tính vẫn còn khoảng 900 quân ở nước này.

Đầu tháng này, đồng minh của Trump và là ứng cử viên Nội các Robert F. Kennedy Jr. đã tiết lộ rằng Trump muốn rút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria vì lo ngại họ có thể trở thành "bia đỡ đạn" trong bất kỳ cuộc đụng độ nào giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các chiến binh người Kurd.

Người Alawite chiếm khoảng 12 phần trăm dân số Syria và từ lâu đã lo sợ rằng nếu Bashar al-Assad bị lật đổ, họ sẽ phải chịu đau khổ. Họ là một nhánh của Hồi giáo Shia, là xương sống của chế độ Assad và đã chiếm giữ các vị trí hàng đầu trong chính phủ, quân đội và các cơ quan tình báo.

Trong những năm đầu của cuộc nổi loạn, họ đã thành lập Shabiha, lực lượng dân quân ủng hộ Assad nhưng được tổ chức lỏng lẻo. Ngay cả khi HTS cố gắng tránh đưa họ thành mục tiêu, vẫn có khả năng họ bị trả thù.

Sự sụp đổ của Bashar Assad đã làm suy yếu đáng kể vị thế của Nga và Iran ở Trung Đông. Lâu nay Moskva đã thúc đẩy Assad hòa giải với Erdogan và tìm kiếm các giải pháp chính trị để chấm dứt cuộc nội chiến. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn Syria sẽ mở ra cơ hội giao thương tốt cho các doanh nghiệp Nga và có lẽ sẽ đảm bảo an ninh cho các căn cứ không quân và hải quân chiến lược của Moscow tại Syria. Trong suốt mùa Hè, Điện Kremlin đã nhiều lần tìm cách sắp xếp các cuộc gặp mặt trực tiếp giữa các nhà lãnh đạo Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng có thể thấy nỗ lực của Nga không đơm hoa kết trái.

Tại một hội nghị quốc tế ở Doha vào cuối tuần, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moskva "không thể chấp nhận được việc để nhóm khủng bố này kiểm soát [Syria]". Tuy nhiên, Moscow đã không thể làm gì để ngăn chặn sự sụp đổ của Assad.

Chính ông Trump cũng nhấn mạnh đến điểm yếu của Nga ở Syria. "Nga, vì họ quá bận rộn ở Ukraine, dường như không có khả năng ngăn chặn cuộc hành quân theo nghĩa đen này qua Syria, một quốc gia mà họ đã bảo vệ trong nhiều năm", ông viết trên nền tảng xã hội Truth Social./.