Ai Cập và Nga xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại
Nga đang cố gắng mở rộng số lượng các quốc gia cho phép người Nga thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ thanh toán Mir sau khi các công ty thanh toán Visa Inc và Mastercard ngừng hoạt động tại Nga.
Truyền thông Ai Cập ngày 17/9 dẫn lời Đại sứ Nga tại nước này, Georgy Borisenko, cho biết Nga và Ai Cập đang xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giữa hai nước, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn chặn quyền tiếp cận của Nga với đồng USD và đồng euro kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bắt đầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Sada El-Balad, ông Borisenko giải thích rằng Nga sẽ sử dụng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng ruble hoặc đồng bảng Ai Cập) với Ai Cập, tương tự như trong trao đổi thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS).
Nga đã thúc đẩy hệ thống SPFS thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi các ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống SWIFT theo lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga do cuộc xung đột tại Ukraine vào tháng Hai vừa qua.
Nga đang cố gắng mở rộng số lượng các quốc gia cho phép người Nga thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ thanh toán Mir được phát hành lần đầu tiên vào năm 2014, sau khi các công ty thanh toán Visa Inc và Mastercard có trụ sở tại Mỹ ngừng hoạt động tại Nga.
Một số quốc gia đã chấp thuận sử dụng thẻ Mir bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Hàn Quốc và Việt Nam.
Ông Borisenko cho biết Nga đang làm việc với Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) để sớm phê duyệt việc sử dụng thẻ ngân hàng Mir trong thanh toán ở Ai Cập.
Đại sứ Nga tại Ai Cập cho biết thêm việc chấp thuận sử dụng thẻ Mir ở Ai Cập sẽ góp phần làm tăng lượng khách du lịch Nga đến quốc gia Bắc Phi này.
[Trung Quốc và Nga sẽ thanh toán khí đốt bằng đồng ruble và nhân dân tệ]
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ai Cập và Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, với trao đổi thương mại song phương đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2021, so với mức 2,7 tỷ USD của năm 2018.
Nga là một trong những nước có lượng khách du lịch lớn đến Ai Cập hàng năm. Theo số liệu được ông Borisenko trích dẫn vào tháng Hai năm ngoái, hơn 700.000 lượt du khách Nga đã đến thăm đất nước “Kim tự tháp.”
Vào tháng 7/2021, Nga đã dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 6 năm áp dụng đối với các chuyến bay thẳng từ Nga đến các khu nghỉ mát Hurghada và Sharm el-Sheikh ở Biển Đỏ của Ai Cập.
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới với tổng khối lượng nhập khẩu 13 triệu tấn/năm.
Quốc gia Bắc Phi này đã nhập khẩu phần lớn ngũ cốc với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh từ Nga và Ukraine qua Biển Đen. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 80% lượng lúa mỳ nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi.
Nga cũng đang giúp Ai Cập xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên El Dabaa để sản xuất điện cho mục đích hòa bình./.