Ai Cập phản đối Israel hiện diện tại cửa khẩu Rafah và hành lang Philadelphi
Ai Cập khẳng định "không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của Israel" dọc theo Hành lang Philadelphi chiến lược ở biên giới giữa Dải Gaza và nước này.
Ngày 26/8, Ai Cập đã tái khẳng định lập trường không chấp nhận sự hiện diện của Israel tại cửa khẩu Rafah hay hành lang Philadelphi.
Kênh truyền hình Al Qahera News TV ngày 26/8 đã dẫn lời một nguồn tin cấp cao nêu rõ Ai Cập "đã nhắc lại với tất cả các bên rằng họ sẽ không chấp nhận bất kỳ sự hiện diện nào của Israel" dọc theo Hành lang Philadelphi chiến lược ở biên giới giữa Dải Gaza và nước này.
Ai Cập là một trong những bên trung gian hòa giải quan trọng trong các nỗ lực thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas tại Gaza.
Một điểm bế tắc chính trong cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza do Mỹ, Ai Cập và Qatar làm trung gian là việc Israel muốn hiện diện tại Hành lang Philadelphi, một dải đất hẹp dài 14,5km dọc biên giới phía Nam của Gaza với Ai Cập.
Các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn cũng kêu gọi Israel rút quân khỏi cửa khẩu Rafah, cửa khẩu duy nhất từ lãnh thổ Palestine không do Israel trực tiếp kiểm soát.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Israel thông báo kể từ khi xảy ra cuộc xung đột tại Dải Gaza, quốc gia này đã đặt mua và nhận được tổng cộng hơn 50.000 tấn hàng hóa quân sự từ nước ngoài.
Thông báo cho biết Cục Sản xuất và Mua sắm thuộc Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các đơn vị thuộc Lực lượng Phòng vệ (IDF) để tổ chức các chuyến vận chuyển hàng bằng cả đường không và đường biển, bao gồm “xe bọc thép, đạn dược, thiết bị bảo vệ cá nhân và thiết bị y tế, vốn đặc biệt quan trọng để duy trì các chiến dịch của IDF."
Thông báo không nêu rõ nguồn gốc của hàng hóa. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Israel từng nói rằng phần lớn vũ khí và đạn dược nước này nhập khẩu được sản xuất tại Mỹ và châu Âu./.