Ai Cập khẳng định Israel chịu trách nhiệm về khủng hoảng nhân đạo tại Gaza
Ngoại trưởng Ai Cập nêu rõ việc Israel kiểm soát cửa khẩu Rafah cũng như các hoạt động quân sự của Israel khiến các nhân viên cứu trợ và tài xế xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza đối mặt với nguy hiểm.
Ngoại trưởng Ai cập Sameh Shoukry ngày 14/5 tuyên bố Israel hoàn toàn chịu trách nhiệm về "thảm họa nhân đạo" mà người Palestine đang phải đối mặt ở Dải Gaza.
Phát biểu trên của Ngoại trưởng Ai Cập đáp lại tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Israel - ông Israel Katz yêu cầu Cairo mở lại cửa khẩu Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza, đồng thời cho rằng Ai Cập có trách nhiệm ngăn chặn khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.
Tuần trước, quân đội Israel tuyên bố bắt đầu chiến dịch nhằm tiêu diệt lực lượng Hamas ở phía Đông thành phố Rafah và đã kiểm soát cửa khẩu Rafah phía Gaza. Kể từ đó, cửa khẩu này đã bị đóng.
Phía Israel nhấn mạnh Ai Cập đã từ chối phối hợp với Israel cho phép chuyển viện trợ qua cửa khẩu Rafah.
Ngoại trưởng Ai Cập nêu rõ việc Israel kiểm soát cửa khẩu Rafah cũng như các hoạt động quân sự của Israel khiến các nhân viên cứu trợ và tài xế xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Ngoại trưởng Shoukry khẳng định đây là lý do chính khiến không thể đưa viện trợ qua cửa khẩu này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Israel tuyên bố "chìa khóa để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza hiện nằm trong tay Ai Cập."
Ngoại trưởng Katz cho biết ông đã thảo luận với hai người đồng cấp Anh và Đức về việc cần thiết phải mở cửa khẩu này để tạo điều kiện cho hàng viện trợ vào Gaza.
Liên quan vấn đề viện trợ Dải Gaza, Lầu Năm Góc ngày 14/5 thông báo bến tàu do quân đội Mỹ xây dựng để chuyển hàng viện trợ cho Gaza sẽ đi vào hoạt động "trong những ngày tới," sau một tuần thời tiết xấu khiến việc lắp đặt bị trì hoãn.
Với chi phí ít nhất 320 triệu USD, bến tàu này được xây dựng nhằm tăng cường năng lực chuyển hàng hóa viện trợ nhân đạo tới Gaza.
Theo kế hoạch, nguồn cung cấp sẽ được vận chuyển bằng các tàu thương mại từ Cyprus đến một giàn nổi cũng do quân đội Mỹ xây dựng ngoài khơi bờ biển Gaza.
Viện trợ sau đó sẽ được chuyển sang các tàu nhỏ hơn và đưa đến bến tàu ở bờ biển Gaza và được đưa lên đất liền bằng xe tải để phân phối.
Liên quan chiến dịch quân sự của Israel tại Rafah, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) ở La Haye (Hà Lan) ngày 14/5 cho biết trong tuần này sẽ nghe tranh luận của hai phía Nam Phi và Israel liên quan việc Pretoria đề nghị áp dụng các lệnh khẩn cấp đối với Isarel nhằm ngăn chặn cuộc tấn công Rafah.
Theo đó, các luật sư Nam Phi sẽ tranh luận vào ngày 16/5, sau đó là phản hồi của luật sư Israel vào ngày hôm sau.
Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, đầu tháng này, chính quyền Nam Phi đã kiến nghị ICJ áp dụng các biện pháp tạm thời đối với vụ tấn công vào Rafah, yêu cầu Israel "rút lui ngay lập tức và ngừng cuộc tấn công quân sự," đồng thời thực hiện "tất cả các biện pháp hiệu quả" để tạo điều kiện cho viện trợ nhân đạo vào Gaza.
Phiên điều trần tuần này diễn ra sau khi ICJ tháng 1 vừa qua phán quyết về vụ kiện của Nam Phi đối với Israel, cáo buộc tội ác diệt chủng trong cuộc tấn công vào Gaza.
Tòa án đã ra lệnh cho Israel áp dụng mọi biện pháp có thể để ngăn chặn nạn diệt chủng trong cuộc tấn công vào Gaza. Tòa án cũng phán quyết Israel phải cho phép viện trợ vào Gaza để giảm bớt tình hình căng thẳng về nhân đạo tại đây.
Trong khi đó, phía Israel khẳng định vẫn "cam kết tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý quốc tế của mình" và đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm bớt căng thẳng về tình hình nhân đạo ở Gaza./.