Ai Cập hối thúc cộng đồng quốc tế thúc đẩy ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza

Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế đoàn kết nỗ lực để thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza.

Những tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 25/9, Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty hối thúc cộng đồng quốc tế tránh sử dụng cách tiếp cận có chọn lọc khi giải quyết các thách thức hiện tại của khu vực và toàn cầu, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Cairo về việc ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và Isarel chấm dứt hành động quân sự tại Liban.

Phát biểu của ông Abdelatty được đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), bên lề Khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York, Mỹ.

Cũng tại hội nghị này, Ngoại trưởng Abdelatty kêu gọi tất cả các quốc gia, tổ chức quốc tế đoàn kết nỗ lực để thúc đẩy việc đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza, đảm bảo tiếp cận an toàn và thông suốt đối với viện trợ nhân đạo, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động cứu trợ tại vùng lãnh thổ bị bao vây này của Palestine.

Bên cạnh đó, ông còn cảnh báo về sự leo thang nguy hiểm của Israel ở Liban, nhấn mạnh rằng những hành động này có thể đẩy khu vực Trung Đông vào một cuộc xung đột lớn hơn.

Ngoại trưởng Ai Cập cũng nhấn mạnh tính cấp thiết của việc giải quyết căng thẳng địa chính trị leo thang và tác động của các cuộc khủng hoảng quốc tế liên tiếp đối với phát triển bền vững và biến đổi khí hậu.

Ông nêu bật tác động không cân xứng của những cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với các quốc gia đang phát triển có nguồn lực và khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế.

Ông cũng chỉ ra rằng một số nước phát triển đã không hoàn thành nghĩa vụ cung cấp tài chính khí hậu; nhấn mạnh tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với tình trạng hạn hán.

Ngoài ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Ai Cập kêu gọi G20 đóng vai trò dẫn đầu trong việc chuyển đổi hệ thống tài chính toàn cầu, để hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia đang phát triển, giúp họ có thể ứng phó với tác động cộng dồn của các cuộc khủng hoảng đang diễn ra.

Cùng ngày, tại Khóa họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã yêu cầu Israel tôn trọng luật pháp quốc tế và bảo vệ dân thường dù thực hiện quyền tự vệ sau các cuộc đột kích bất ngờ của Phong trào Hồi giáo Hamas vào Israel hôm 7/10/2023.

Bà Meloni cũng nhấn mạnh quan điểm Italy ủng hộ quyền của người dân Palestine được có Nhà nước riêng của họ. Tuy nhiên, để điều này có thể sớm trở thành hiện thực, người Palestine phải có một nhà lãnh đạo ủng hộ đối thoại và sự ổn định của Trung Đông.

Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khi chỉ ra nhu cầu ngừng bắn ở Gaza và trả tự do ngay lập tức cho các con tin Israel, Thủ tướng Italy nói: "Chúng ta không thể tiếp tục chứng kiến những thảm kịch trong những ngày gần đây ở miền Nam và miền Đông Liban, liên quan đến những dân thường không có khả năng tự vệ, bao gồm nhiều trẻ em."

Tương tự, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron Macron cho biết mặc dù Israel có quyền tự vệ sau cuộc đột kích của Hamas vào tháng 10 năm ngoái, nhưng cuộc chiến đã kéo dài quá lâu và cần phải chấm dứt ngay bây giờ. Theo ông, "không có lý do chính đáng, không có lời giải thích nào cho hàng nghìn sinh mạng của dân thường Palestine vô tội."

Cùng ngày, tại phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ngoại trưởng Malaysia Utama Haji Mohamad Bin Hasan đã kêu gọi hạn chế quyền phủ quyết, cho rằng việc sử dụng quyền này đã cản trở các nỗ lực đảm bảo hòa bình, đặc biệt với Palestine.

Ngoại trưởng Mohamad Bin Hasan nhấn mạnh quyền phủ quyết không nên được sử dụng để ngăn chặn các nghị quyết nhằm duy trì pháp luật quốc tế và bảo vệ người dân vô tội; đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an không sử dụng quyền phủ quyết để bác bỏ Nghị quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 18/9, yêu cầu Israel rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine trong vòng 12 tháng.

Bất chấp nghị quyết nói trên của Hội đồng Bảo an, Israel vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công tại Dải Gaza. Theo những số liệu mới nhất, trong hơn 11 tháng kể từ khi nổ ra xung đột Hamas-Israel, gần 41.500 người Palestine thiệt mạng và hơn 96.000 người bị thương. Trong khi đó, Israel ghi nhận hơn 1.200 người thiệt mạng./.