Afghanistan: Chính quyền Taliban bắt giữ 18 nhân viên NGO

Người phát ngôn của chính quyền Taliban tại tỉnh Ghor - ông Abdul Wahid Hamas Ghori - cho biết tổng cộng có 21 người bị bắt giữ, gồm một phụ nữ Mỹ.

Lực lượng Taliban gác tại thủ đô Kabul, Afghanistan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chính quyền Taliban tại Afghanistan ngày 16/9 thông báo đã bắt giữ một số nhân viên của tổ chức phi chính phủ (NGO) mang tên Sứ mệnh Hỗ trợ quốc tế (IAM), với cáo buộc những người này truyền bá đạo Cơ đốc tại Afghanistan.

Người phát ngôn của chính quyền Taliban tại tỉnh Ghor - ông Abdul Wahid Hamas Ghori - cho biết tổng cộng có 21 người bị bắt giữ, trong đó có một phụ nữ Mỹ.

IAM xác nhận 18 nhân viên của tổ chức này, bao gồm "một người nước ngoài", đã bị bắt tại văn phòng ở tỉnh Ghor, miền Trung Afghanistan và bị đưa đến thủ đô Kabul. Tuy nhiên, IAM nhấn mạnh rằng tổ chức này không được thông báo về nguyên nhân của vụ bắt giữ.

Theo IAM, đầu tiên, Taliban bắt giữ người phụ nữ Mỹ và hai nhân viên người Afghanistan vào ngày 3/9, tiếp theo là 15 nhân viên người Afghanistan khác vào ngày 13/9. Tổ chức này nêu rõ: “Nếu có bất kỳ cáo buộc nào chống lại tổ chức của chúng tôi hoặc nhằm vào bất kỳ cá nhân nhân viên nào, chúng tôi sẽ đánh giá một cách độc lập mọi bằng chứng được đưa ra”. Trang web của IAM cũng thể hiện rõ rằng tổ chức này được thành lập dựa trên các giá trị Cơ đốc giáo, nhưng IAM không cung cấp viện trợ theo niềm tin chính trị hoặc tôn giáo. Tổ chức này khẳng định: “Chúng tôi tôn trọng phong tục và văn hóa địa phương.”

IAM đã hoạt động ở Afghanistan từ năm 1966, trong các lĩnh vực y tế và giáo dục.

[Afghanistan: Chính quyền Taliban ra lệnh đóng cửa các thẩm mỹ viện]

Cũng liên quan đến Afghanistan, phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Á dẫn báo cáo của Tổ chức Bảo vệ giáo dục trong điều kiện an ninh bất ổn và xung đột (PEIC) cho biết tình trạng chênh lệch giới tính, khả năng tiếp cận giáo dục hạn chế của trẻ em gái, các hành vi tấn công trường học, việc học tập bị gián đoạn, tỷ lệ mù chữ cao và những thách thức nghiêm trọng khác đã khiến Afghanistan bị liệt vào danh sách các quốc gia có điều kiện giáo dục tồi tệ nhất.

Ông Maleiha Malik, Giám đốc Điều hành PEIC, nhận xét những thách thức nêu trên đã trở nên trầm trọng hơn do hành vi can thiệp của cả các chủ thể chính phủ và phi chính phủ, giáng đòn rất mạnh vào cơ hội và cơ sở hạ tầng giáo dục của Afghanistan.

Ông Malik đánh giá Afghanistan là một trong những quốc gia tiếp tục gặp khó khăn trong lĩnh vực giáo dục. Điều đáng lo ngại là những cuộc tấn công vào giáo dục không chỉ được thực hiện bởi các chủ thể nhà nước, mà còn bởi các nhóm vũ trang phi nhà nước. Ông Malik cho rằng những rào cản mới đối với giáo dục ở Afghanistan vẫn còn rất lớn./.

Thanh Phương - Ngọc Thúy (TTXVN/Vietnam+)