80% các doanh nghiệp lên kế hoạch sớm thực hành phát triển bền vững
Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai.
Báo cáo của Công ty Kiểm toán PwC Việt Nam và Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ghi nhận 80% các doanh nghiệp tại Việt Nam được tham vấn cho biết đã đặt ra cam kết hoặc đang lên kế hoạch sớm thực hành Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG).
Thông tin trên được chia sẻ tại tọa đàm “ESG: Biến cam kết thành hành động,” do Báo Việt Nam News, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 9/11.
Xu hướng nổi bật
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Đoàn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh thuật ngữ Môi trường-Xã hội-Quản trị (ESG) đã trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý. Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
[Infographics: Phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030]
Bà Nhung chia sẻ ESG đã và đang trở thành xu hướng nổi trội và ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi không chỉ của các doanh nghiệp mà của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là việc hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26-Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ngày nay, càng nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang trở nên quan trọng đối với các nhà đầu tư và người tiêu dùng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và con người đồng thời quản lý các nguồn lực một cách hiệu quả và bền vững, bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của người dân là ưu tiêu hàng đầu. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã khẳng định phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa Chuyển đổi Xanh với Chuyển đổi Số; Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp nguồn lực trong và ngoài nước; Phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, các đối tác và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Chuyển đổi Số và Chuyển đổi Xanh trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của Việt Nam đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ cả trong tư duy cũng như trong hành động. Để góp phần lan tỏa việc thực hiện các cam kết, kế hoạch hành động hướng tới tăng trưởng Xanh, phát triển bền vững, thông tin, truyền thông đóng một vai trò rất quan trọng.
“Thực hiện sứ mệnh đó, Thông tấn xã Việt Nam luôn chú trọng nhiệm vụ tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tiêu chuẩn ESG để các doanh nghiệp và các nhà quản lý có thể ứng dụng hiệu quả trong thực tế. Khi thực hành đúng, ESG sẽ giúp các doanh nghiệp và các nhà quản lý tháo gỡ những khó khăn nổi cộm nhất ở thời điểm hiện tại và nắm bắt cơ hội tốt nhất trong tương lai,” bà Nhung cho biết.
ESG dẫn dắt đầu tư toàn cầu
Theo Bloomberg Intelligence, tổng tài sản ESG toàn cầu ước tính sẽ đạt mức 50 nghìn tỷ USD vào năm 2025 tương đương 1/3 tài sản đang được quản lý trên toàn cầu. Xu hướng này đang tiếp diễn và tăng đều đặn kể từ khi vượt qua con số 35 nghìn tỷ USD vào năm 2020. Điều này cho thấy, ESG đang nổi lên là một xu hướng dẫn dắt cho đầu tư toàn cầu.
Cụ thể hơn, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Nguyễn Quang Vinh chỉ ra xu hướng chuyển đổi hệ thống nói chung khiến các nhà đầu tư, các ngân hàng, định chế tài chính, quỹ đầu tư tư nhân chuyển dịch chiến lược đầu tư trong hiện tại và tương lai thông qua lăng kính ESG thay vì các chỉ tiêu tài chính truyền thống.
Ông Vinh cho biết Từ năm 2016 đến nay, VCCI đã giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số Doanh nghiệp bền vững (CSI) và được cập nhật hàng năm để phù hợp với những thay đổi trong chính sách pháp luật hiện hành trong nước và các quy định quốc tế. Khi soi chiếu vào Bộ chỉ số CSI, doanh nghiệp sẽ có thể đánh giá tổng thể “sức khỏe” của mình về quản trị, kinh tế, xã hội, môi trường, trên cơ sở đó phát hiện ra những lỗ hổng cần khắc phục cũng như những tiềm năng phát triển cần được khai thác sớm.
Tuy nhiên, báo cáo về mức độ sẵn sàng thực hành ESG tại Việt Nam năm 2022 do PwC và VIOD thực hiện với 234 doanh nghiệp, cho biết 62% doanh nghiệp lựa chọn Quản trị (G) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình triển khai. Trong khi đó, các yếu tố Môi trường (E) và Xã hội (S) xếp sau với tỷ lệ lần lượt là 22% và 16%. Việc tập trung vào yếu tố Quản trị có thể do các doanh nghiệp tin tưởng rằng quản trị mạnh hơn sẽ dẫn đến việc ra quyết định tốt ở hai khía cạnh còn lại.
Bên cạnh đó, báo cáo này cũng đưa ra một số thách thức, rào cản trong việc doanh nghiệp thực hành ESG tại Việt Nam. Cụ thể là 71% doanh nghiệp thiếu hiểu biết về dữ liệu cần có để báo cáo, 70% doanh nghiệp chưa có hoặc hạn chế báo cáo ESG và chỉ 36% doanh nghiệp sử dụng đối tác bên ngoài để xác thực các thông tin ESG được công bố.
Do đó, ông Vinh nhấn mạnh thuật ngữ “chuyển đổi hệ thống” đang dần được sử dụng ngày càng rộng rãi như một yêu cầu then chốt nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.
“Chuyển đổi có nghĩa là thay đổi toàn diện về tư duy, bao gồm làm mới, tái tạo và kiến tạo những cách nghĩ và cách làm hoàn toàn mới dựa trên những nền tảng tư duy mới và những nguồn giá trị mới. Bởi kinh doanh theo cách chúng ta từng biết, từng làm không còn là lựa chọn phù hợp để đạt mục tiêu tăng trưởng bền vững và mang lại cho doanh nghiệp sức chống chịu tốt cũng như năng lực cạnh tranh hiệu quả nữa. Và, thời gian còn lại đến năm 2030 là giai đoạn mang tính quyết định,” ông Vinh nói.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra 97,8% các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Trong khi, ESG vẫn là khái niệm khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trên thực tế, những doanh nghiệp này có nhiều hạn chế, khó khăn cố hữu (như thiếu vốn, yếu về khoa học công nghệ, kỹ năng quản trị kém...).
Tuy nhiên, bà Hương nhấn mạnh đến thời điểm này, các doanh nghiệp cần nhìn nhận ESG không phải là gánh nặng về chi phí, mà cần coi đó là khoản đầu tư, và đầu tư để thu lại lợi ích. Thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật đồng thời đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh đồng thời có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn xanh.
Khẳng định ESG là công cụ lượng hóa để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng Ban Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho hay ESG là cam kết có đo lường bằng chỉ tiêu và đó là một thách thức không chỉ đối với doanh nghiệp tại Việt Nam mà cả trên bình diện quốc tế. Hơn nưa, việc tiếp cận thông tin để nắm vững công cụ và hiểu biết đầy đủ cũng là thách thức đối với doanh nghiệp quy mô lớn cũng như vừa và nhỏ.
Để giúp doanh nghiệp lồng ghép các tiêu chí ESG vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, ông Hải cho hay VBCSD đang cung cấp các hướng dẫn cụ thể về kết hợp ESG trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp có thể áp dụng các bộ chỉ tiêu để có thể lượng hóa các tiêu chí ESG và áp dụng vào thực tế của mình./.