69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Tiếp thêm niềm tin, sức mạnh

Trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Sáng 10/10/1954, các cánh quân của Đại đoàn 308 từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô được giải phóng trong rừng cờ hoa đón chào của 200.000 người dân Hà Nội. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hôm nay ngày 10/10, Hà Nội được trở lại với khí thế hào hùng của Ngày Giải phóng Thủ đô, với niềm vui rộn rã đón các đoàn quân chiến thắng trở về.

Đã 69 năm trôi qua, dư âm ngày chiến thắng vẫn còn đọng lại, như tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong việc xây dựng, phát triển Thủ đô.

Ký ức ngày trở về

Với những người lớn tuổi ở Hà Nội, nhất là những người đã từng tham gia sự kiện tiếp quản Thủ đô vào ngày 10/10/1954, niềm vui ngày chiến thắng trở về là ký ức không thể quên.

Sau khi Hiệp định Genève được ký kết, quân Pháp buộc phải rút khỏi Hà Nội, các đoàn quân từ Chiến khu Việt Bắc và các chiến trường đồng bằng Bắc bộ tiến về tiếp quản Thủ đô.

Sáng 10/10, khi lệnh giới nghiêm vừa kết thúc, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị của Quân đội chia làm nhiều cánh lớn tiến vào Hà Nội từ năm cửa ô.

Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về, cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu giăng khắp các đường phố.

Đúng 15 giờ, Lễ Chào cờ lịch sử được tổ chức ở sân Cột cờ Hà Nội. Khi tiếng còi ở Nhà hát Lớn nổi lên, cả Hà Nội đều hướng về cột cờ, bài hát “Tiến quân ca” vang lên hào hùng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên, mọi người cùng trang nghiêm thực hiện nghi lễ chào cờ.

Thiếu tướng Vương Thừa Vũ đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô trong sự trang nghiêm, xúc động.

Hồi tưởng lại phút giây được tham dự Lễ Chào cờ lịch sử, ông Nguyễn Tiến Hà, cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, nguyên cán bộ Mặt trận Quân sự Hà Nội chia sẻ: “Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay hiên ngang trên đỉnh Cột cờ Hà Nội, tôi lặng đi vì xúc động. Tôi rưng rưng nước mắt nhớ về những đồng đội, đồng chí, đồng bào đã hy sinh và vô cùng biết ơn những liệt sỹ đã giúp tôi thực hiện lời thề là nguyện tiến về Hà Nội giải phóng Thủ đô.”

Cũng là người được chứng kiến giây phút thiêng liêng khi Hà Nội được giải phóng, hòa cùng các đoàn quân tiến vào tiếp quản Thủ đô, bà Đỗ Hồng Phấn, cựu nữ sinh trường Chu Văn An, người tích cực tham gia các phong trào đấu tranh của học sinh Hà Nội kể lại: Trước kia bà còn nhỏ tuổi nên tham gia đưa thư vận động bãi khóa, in và rải truyền đơn, treo cờ Tổ quốc... Sau đó, bà bị địch bắt nhưng do chưa đủ 18 tuổi nên được thả tự.

Từ đó, bà liên lạc với cách mạng và ra hoạt động vùng tự do. Được theo đoàn quân tiến về Thủ đô trong ngày giải phóng, bà Đỗ Hồng Phấn bày tỏ: “Tôi đi diễu hành trên phố, đi qua nhà mình và nhìn thấy mẹ mà vui sướng đến rơi nước mắt nhưng tôi không thể gọi mẹ mình. Trong dòng người cờ hoa đứng hai bên đường vẫy chào đoàn quân, có rất nhiều người thân và bạn bè tôi. Những hình ảnh ấy, tôi không bao giờ quên.”

Bộ đội ta từ các cửa ô tiến vào tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10/10/1954. Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Niềm vui ngày trở về là thành quả của cuộc đấu tranh trường kỳ chống thực dân Pháp của quân và dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giam chân địch trong 60 ngày đêm khói lửa, Trung đoàn Thủ đô đã bí mật rút quân lên Việt Bắc với lời ước hẹn “Ra đi hẹn một ngày về.”

Chín năm kháng chiến gian khổ, ngày 10/10/1954, Trung đoàn Thủ đô dẫn đầu đoàn quân tiên phong tiến về Hà Nội.

Tiếp thêm niềm tin, sức mạnh

69 năm qua, vào đúng ngày lịch sử này, thành phố Hà Nội lại tưng bừng kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô với nhiều hoạt động phong phú.

Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường cho rằng đó là việc làm ý nghĩa để trân trọng quá khứ, khơi dậy niềm tự hào trong nhân dân, từ đó tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.

Trong suốt những năm qua, Hà Nội luôn phát huy nội lực, huy động nhiều nguồn lực khác, vượt qua những khó khăn, thách thức thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng, xây dựng và phát triển Thủ đô xứng tầm vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước và hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Ngày 5/5/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã khẩn trương, nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện. Thành ủy Hà Nội cũng ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26/8/2022 thực hiện Nghị quyết bằng các công trình, dự án cụ thể.

[69 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Hà Nội vươn mình mạnh mẽ]

Hiện nay, Hà Nội đã tăng cường công tác quy hoạch và xây dựng thể chế nhằm cụ thể hóa mục tiêu trở thành thành phố “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại” như Nghị quyết 15 đã đề ra.

Cùng với đó, Hà Nội đang tập trung triển khai Nghị quyết số 09 ngày 22/2/2022 của Thành ủy về Phát triển Công nghiệp Văn hoá Thủ đô và Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 về Chuyển đổi Số xây dựng thành phố Hà Nội thông minh.

Thành phố cũng phối hợp Bộ Tư pháp xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vào cuối tháng 10/2023; lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Thủ đô Hà Nội đang ngày càng phát triển, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng cho biết các cấp, các ngành thành phố đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thực hiện chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển;” tập trung nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng và hoàn thành 22 nhóm chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Chín tháng đầu năm 2023, kinh tế-xã hội thành phố tiếp tục phục hồi tích cực với nhiều chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 6,08%. Thu ngân sách Nhà nước thực hiện trên 305.000 tỷ đồng, đạt 86,5% dự toán và tăng 24,6% so với cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển toàn diện; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.

Hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công...

Dù còn không ít thách thức nhưng với tinh thần người Hà Nội, hào khí Ngày chiến thắng trở về từ 69 năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô tiếp tục quyết tâm xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với vị thế là trái tim của cả nước và ngày càng đẹp hơn trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế./.

Đinh Thuận (TTXVN/Vietnam+)