67 phút cho cộng đồng - di sản nhân văn của Mandela cho nhân loại
Cuộc đời của Mandela, được ghi dấu bằng hơn 67 năm cống hiến không ngừng nghỉ cho nhân quyền và dân chủ, là nguồn cảm hứng lâu dài và là một hình mẫu phục vụ nhân dân.
Tháng 7 tại Nam Phi không chỉ là những ngày và đêm mùa Đông lạnh giá của quốc gia Nam bán cầu, thậm chí nhiều vùng tuyết phủ trắng xóa.
Tháng 7 tại Nam Phi còn là tháng kỷ niệm Ngày Quốc tế Nelson Mandela hay Ngày Mandela, khơi dậy tinh thần bác ái trong mỗi con người, không chỉ tại "đất nước Cầu Vồng" mà còn trên toàn thế giới.
Được Liên hợp quốc công nhận là Ngày Quốc tế Nelson Mandela, ngày 18/7 nhằm tôn vinh di sản lâu dài của Nelson Mandela và là lời nhắc nhở về sức mạnh tập thể của con người trong thúc đẩy sự thay đổi tích cực.
Tinh thần của Ngày Mandela, lấy cảm hứng từ lời kêu gọi của cố Tổng thống Mandela trong lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của ông năm 2008, là thông điệp hành động để mỗi cá nhân vươn lên và tạo ra sự khác biệt hữu hình.
Trong tuyên bố của mình, cố lãnh tụ Mandela khẳng định: “Đã đến lúc những bàn tay mới cùng góp sức dỡ bỏ gánh nặng. Điều này nằm trong tay các bạn." Và lời kêu gọi này đã thực sự khơi dậy một phong trào gây được tiếng vang trên toàn cầu.
Cuộc đời của Mandela, được ghi dấu bằng hơn 67 năm cống hiến không ngừng nghỉ cho nhân quyền và dân chủ, là nguồn cảm hứng lâu dài và là một hình mẫu phục vụ nhân dân. Quỹ Nelson Mandela kêu gọi người dân tôn vinh di sản này bằng cách cống hiến 67 phút thời gian của mình, một nghĩa cử mang tính biểu tượng phản ánh những năm Mandela cống hiến cho nhân loại, cho các hoạt động nâng cao nhận thức và thúc đẩy lòng nhân ái trên toàn cầu.
Chủ đề của Ngày Mandela năm nay là “Chống lại nghèo đói và bất bình đẳng tùy thuộc vào chúng ta”. Lời kêu gọi hành động mạnh mẽ này thúc giục các cá nhân, cộng đồng và tổ chức suy ngẫm về các giá trị và nguyên tắc của Mandela và nỗ lực tạo ra sự thay đổi tích cực. Tính cấp bách của chủ đề này thể hiện qua những thách thức mà chúng ta phải đối mặt - bất bình đẳng và tỷ lệ nghèo đói ngày càng tăng, những tác động kéo dài của đại dịch COVID-19, Biến đổi Khí hậu và xung đột toàn cầu. Quan trọng hơn cả là mọi người dân đều chú ý đến di sản của Mandela và hành động bền bỉ để chống lại nghèo đói và bất công, những vấn đề mà nhà lãnh đạo đã đấu tranh trong cả cuộc đời mình.
Riêng tại Nam Phi, các cá nhân, tổ chức đã tham gia nhiều hoạt động tình nguyện. Có thể dễ dàng bắt gặp những lời kêu gọi tham gia hoạt động vì cộng đồng, vì những người yếu thế, nhiều khi hành động đơn giản chỉ là dọn dẹp đường phố, làm sạch môi trường, dành thời gian cho trẻ em hoặc người già tại trại trẻ mồ côi hoặc viện dưỡng lão, sơn lại tường tại những trường học đang xuống cấp nghiêm trọng hay quyên góp giấy vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái khó khăn trong cộng đồng.
Còn rất nhiều hình thức cho đi và chia sẻ thiết thực khác như tặng thực phẩm cho người vô gia cư, tặng chăn đệm, quần áo và đồ chơi cũ cho trại trẻ mồ côi hay chung tay trồng một khu vườn cộng đồng để việc tiếp cận được thực phẩm tốt và không khí sạch sẽ giúp cải thiện đáng kể cuộc sống của những người sống trong cộng đồng. Nhiều tổ chức cũng có những hành động gắn với con số “67 phút cho cộng đồng” biểu tượng và gắn với chủ đề xuyên suốt của Ngày Mandela.
Tổ chức Chefs with Compassion (Những đầu bếp nhân ái) tiếp tục sáng kiến hằng năm mời các đầu bếp, những người nội trợ, doanh nghiệp và cá nhân trên khắp cả nước cùng nhau nấu 67.000 lít súp vào ngày 18/7 cho người nghèo. Mục đích là để tôn vinh di sản của Nelson Mandela và nêu bật tình trạng mất an ninh lương thực trên khắp cả nước. Hay nhóm 67 Blankets for Mandela Day (67 chăn ấm cho Ngày Mandela) cũng kêu gọi mọi người chung tay đan, móc, may những chiếc chăn ấm cho người nghèo.
Phong trào này đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều người Nam Phi và những người nổi tiếng thế giới cũng như các tập đoàn và nhóm đan chăn đang hoạt động ở Australia, Bỉ, Canada, Đức, Cyprus, Anh, Mỹ, Ireland, Italy và Ấn Độ.
Trong những năm qua, số lít súp hay số chăn tặng người nghèo thường vượt xa con số 67.000 lít hay 67 tấm chăn, là minh chứng rõ rệt cho tinh thần vì cộng đồng của Ngày Mandela.
Ngoài ra, Ngày Mandela cũng góp phần thúc đẩy sự thay đổi tích cực khi truyền cảm hứng bằng hành động, khuyến khích người dân Nam Phi nói riêng và người dân toàn cầu nói chung đóng góp tích cực cho xã hội chỉ trong 67 phút - mỗi phút tượng trưng cho một năm vị lãnh tụ đấu tranh cho công bằng xã hội. Một lý do nữa là Ngày Mandela thực sự mang tinh thần đoàn kết và hòa giải, hai chủ đề luôn được lặp đi lặp lại.
Khi kỷ niệm ngày này, người dân thường được nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đoàn kết, lòng nhân ái và hành động tập thể trong việc xây dựng một xã hội công bằng và bình đẳng hơn cho tất cả mọi người.
Ngày Mandela có ý nghĩa đặc biệt vì nó thể hiện những giá trị và nguyên tắc mà cố Tổng thống Mandela đã cống hiến cả cuộc đời mình, đặc biệt là tinh thần vị tha và đề cao cộng đồng. Sự tham gia nhất quán đảm bảo rằng các giá trị của lòng nhân ái, sự đồng cảm và phục vụ cộng đồng trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, mang lại lợi ích lâu dài cho những người gặp khó khăn và một xã hội đoàn kết hơn. Đây là một lời nhắc nhở mạnh mẽ và cần thiết về những nguyên tắc trong quá khứ vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay. Cần phải hành động để tạo dựng một xã hội bình đẳng và công bằng hơn, đồng thời bằng cách cùng nhau làm việc và ghi nhớ di sản, chúng ta có được một tương lai tươi sáng hơn.
Đây cũng là sự gắn kết sâu sắc với các giá trị mà lãnh tụ Mandela ủng hộ bao gồm “ubuntu” (có nghĩa là tình người trong ngôn ngữ bản địa tại châu Phi), hòa bình, khiêm tốn và cống hiến không ngừng cho sự tiến bộ của xã hội.
Để thực sự tôn vinh di sản của Mandela, điều cần thiết là phải vượt ra ngoài những cử chỉ tượng trưng, hướng tới những hành động có tác động lâu dài. Cho dù đó là hỗ trợ các sáng kiến giáo dục, đóng góp cho các chương trình y tế cộng đồng hay hướng tới sự bền vững về môi trường, mục tiêu vẫn là tạo ra sự thay đổi lâu dài ngay cả sau khi Ngày Mandela trôi qua./.