65 năm mở đường Hồ Chí Minh: Thăm Chỉ huy Sở tiền phương của Bộ đội Trường Sơn

Di tích Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Chỉ huy Sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559 và Đoàn 500 là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

Bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tại Khu di tích. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Nằm ở xã Hương Đô (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), di tích Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Chỉ huy Sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559 và Đoàn 500 là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh.

Nơi lưu dấu Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên-Tư lệnh của đường Trường Sơn huyền thoại

Tháng 6/1966, cơ quan tiền phương của Tổng cục Hậu cần được thành lập để tăng cường chỉ đạo tuyến nam Quân khu 4. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được điều động về làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Tư lệnh tiền phương-Tổng cục Hậu cần.

Là địa bàn có vị trí chiến lược hết sức quan trọng, huyết mạch nối tiếp giữa Quốc lộ 15A với Quốc lộ 21, 22 để vận chuyển quân, lương và vũ khí chi viện cho miền Nam, từ năm 1966 - 1970, xã Hương Đô được chọn là nơi đặt Chỉ huy Sở Tiền phương.

Tại đây, vào cuối tháng 6/1967, Bộ Tư lệnh 559 và Tiền phương Tổng cục Hậu cần phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động mùa khô năm 1966 - 1967. Đây là hội nghị lớn nhất từ trước tới nay của Đoàn 559 và hội nghị quan trọng này thường được nhắc đến trong lịch sử là hội nghị Hương Đô.

Ngày 28/10/1968, Quân ủy Trung ương quyết định giải thể Đoàn 400, thành lập Bộ Tư lệnh 500 làm nhiệm vụ trung chuyển cho Đoàn 559, Sở chỉ huy tiếp tục chọn Hương Đô làm nơi đóng quân.

Năm 1971, Đoàn 500 giải thể, một số đơn vị thuộc Đoàn 500 sáp nhập vào Đoàn 559, phạm vi hoạt động của Đoàn 559 từ nam sông Lam (Nghệ An) vào đến Lộc Ninh (Bình Phước). Hai năm sau đó, xã Hương Đô vẫn là hậu cứ của Bộ Tư lệnh Trường Sơn.

Giai đoạn này, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sơn ngoài thực hiện chiến dịch giải phóng miền Nam, vẫn luôn kề vai, sát cánh cùng quân dân địa phương bảo vệ, chăm lo đời sống bà con nơi đóng quân.

Trong ký ức của mình, cựu chiến binh Lê Hữu Long (sinh năm 1940 - nguyên là bộ đội Trường Sơn) chia sẻ, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là vị Tư lệnh tài ba, đức độ, có tư duy, tầm nhìn chiến lược. Được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là một hạnh phúc trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Là vị chỉ huy cao nhất của lực lượng bộ đội Trường Sơn, ngày đêm căng thẳng, tập trung cho Chiến dịch giải phóng miền Nam nhưng Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên luôn tranh thủ thời gian tiếp xúc, gần gũi với từng cán bộ, người dân địa phương. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nhiều lần trở lại Hương Đô, thăm hỏi bà con.

Nhiều tư liệu quý về Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh huyền thoại được lưu giữ tại Khu di tích. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Xã Hương Đô với Bộ đội Trường Sơn và đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Trong suốt thời gian chiến tranh, nhân dân và chính quyền xã Hương Đô đã nhường nhà của mình cho bộ đội, luôn luôn che chở, đùm bọc, giữ gìn bí mật cho các cơ quan đầu não của 3 Bộ tư lệnh từng đóng ở đây.

Trước đây, Chỉ huy Sở các Bộ tư lệnh đều đóng trong nhà dân thuộc trung tâm xóm 7, xã Hương Đô. Ông Nguyễn Văn Nhuệ có ngôi nhà gỗ 2 gian nhường cho các đồng chí cán bộ cao nhất của các Bộ tư lệnh ở và làm việc. Ngôi nhà này có hào giao thông và hầm chữ A trú ẩn.

Ngôi nhà ở của Bộ tư lệnh và hầm hào được bảo tồn nguyên trạng nhưng bằng vật liệu bền vững hơn (bêtông giả gỗ). Hội trường, nơi diễn ra Hội nghị Hương Đô năm 1967 nằm trong vườn ông Hoàng Văn Học rộng 75 m2. Nền hội trường dạng bán âm (sâu 2m) xung quanh có đắp lũy chắn đạn. Hội trường được bê tông hóa phần khung xương nhưng mái vẫn lợp tranh lá, các cửa hầm xung quanh hội trường được kiên cố hóa.

Các bộ phận Di tích khác như “Nhà ăn, bếp Hoàng Cầm,” “Trạm thông tin” cũng được bảo tồn nằm trong đất của các hộ ở địa phương. Bộ phận Hậu cần phục vụ cơ quan Bộ tư lệnh đặt tại nhà ông Ngô Hạp và bà Nguyễn Thị Minh. Bộ phận thông tin liên lạc đóng tại nhà bà Nguyễn Thị Nhỏ, nơi đây có bộ phận cơ yếu, điện đài, thông tin, máy phát điện.

Tại Khu di tích lịch sử Chỉ huy Sở Tiền phương Tổng cục Hậu cần, Chỉ huy Sở cơ bản của Bộ Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn-Đoàn 559 và Đoàn 500, Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê phối hợp Hội Cựu chiến binh huyện, xã Hương Đô, bà con địa phương lập bàn thờ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Khu di tích là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, nơi lưu dấu nhiều kỷ vật quan trọng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và bộ đội Trường Sơn.

Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hương Đô đang nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hướng tới xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Xã Hương Đô cũng là điểm sáng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất với thương hiệu cam Khe Mây nổi tiếng./.