63% dư nợ tín dụng ở Thành phố Hồ Chí Minh có lãi suất dưới 10%
Có tới 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố có mức lãi suất dưới 9,75%; số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53% (chủ yếu là những khoản dư nợ vay trung dài hạn).
Một khảo sát mới đây của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã giảm mạnh, bao gồm cả các khoản vay cũ.
Hiện, có tới 63% dư nợ tín dụng trên địa bàn Thành phố có mức lãi suất dưới 9,75%; số còn lại có mức lãi suất phổ biến dưới 10,53% (chủ yếu là những khoản dư nợ vay trung dài hạn).
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả này phản ánh tác động và hiệu quả chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã được thẩm thấu qua các chính sách gắn với việc hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; trong đó, phải kể đến chính sách giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và phát triển.
[NHNN lý giải nghịch lý lãi suất giảm nhanh, tín dụng lại tăng chậm]
Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng kết quả định lượng trên được phản ánh trên 3 phương diện chính.
Trước hết là Chính sách Tiền tệ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kìm giữ lạm phát, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi mà còn trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thông qua áp dụng chính sách lãi suất, tỷ giá linh hoạt và phù hợp; chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí vay vốn, giảm bớt áp lực trả nợ vay, cơ cấu nợ hợp lý để duy trì, ổn định và phát triển, tạo lập dòng tiền và luân chuyển vốn hiệu quả.
Việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do thị trường, do hệ quả của đại dịch COVID-19... thông qua việc giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Từ đó, giảm áp lực trả nợ vay, hợp lý kỳ hạn nợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi tăng trưởng.
Tính riêng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có gần 35.000 doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ để tạo điều kiện vượt khó và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, nhóm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, hoạt động trong các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế tiếp tục được tiếp cận thuận lợi với lãi suất cho vay tốt nhất, cả đồng Việt Nam và ngoại tệ.
Hiện, dư nợ cho vay ngoại tệ trên địa bàn đạt khoảng 172.000 tỷ đồng, tăng 2,4% so với cuối năm 2022; dư nợ cho vay 5 nhóm, ngành lĩnh vực ưu tiên; trong đó có lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 200.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam không quá 4%/năm.
Thứ ba, ngành ngân hàng đã trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động và hành động cụ thể về kết nối ngân hàng-doanh nghiệp; đối thoại doanh nghiệp; truyền thông chính sách và đặc biệt thông qua kênh phối hợp với các sở ban ngành, các hội doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố qua danh sách nhu cầu vốn vay của doanh nghiệp từ các đầu mối phối hợp gửi đến.
“Cách làm này yêu cầu về thời gian và nguồn lực đối với cơ quan quản lý, song gắn với trách nhiệm, hành động cụ thể và kết quả cụ thể, vì vậy được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn đánh giá cao. Đến nay, có trên 1.019 trường hợp doanh nghiệp đã được hỗ trợ, giải quyết qua phương thức này. Trường hợp không giải quyết được đều nêu rõ lý do và nguyên nhân để doanh nghiệp nắm bắt và chia sẻ,” ông Nguyễn Đức Lệnh cho biết.
Thực tế cũng cho thấy, các khoản vay cũ (giải ngân trong quý 3-4/2022 và quý 1/2023) là bài toán “đau đầu” của nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua khi lãi vay giảm rất chậm.
Tại hội nghị đối thoại chính sách ngân hàng cụm quận Bình Tân-huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh) vừa tổ chức, đại diện Công ty Trách nhiệm Hữu hạn HIS Hải Dương đã phải “cầu cứu” Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh khi có khoản vay 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông với lãi suất lên đến 13%/năm.
Thậm chí, ngay cả doanh nghiệp làm nhà ở xã hội như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại và Xây dựng Lê Thành cũng phải “lên tiếng” khi có khoản vay cũ với lãi suất vẫn neo ở mức 13%/năm.
Rõ ràng, trong bối cảnh kinh doanh gặp khó khăn, hoạt động cầm chừng, thì với mức lãi suất 13%/năm sẽ là gánh nặng và áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp.
Vì vậy, việc các ngân hàng thương mại trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh điều chỉnh lãi suất cho vay, bao gồm cả các khoản vay cũ với những khoản dư nợ vay trung dài hạn về dưới 10,53% sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để chi trả lương nhân viên cũng như cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, từ nay đến cuối năm là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn để thanh toán, dự trữ hàng hóa, tăng cường sản xuất kinh doanh phục vụ cao điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân như đã thực hiện trong thời gian qua.
Ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục định hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục, đảm bảo hoạt động tín dụng hiệu quả.../.