16 kỳ tác nghiệp tại World Cup của nhà báo lão thành Hartmut Scherster

Tác nghiệp tại World Cup lần đầu tiên vào năm 1962, đến nay, nhà báo người Đức Hartmut Scherster, 84 tuổi, vẫn miệt mài đưa tin về kỳ World Cup thứ 16 trong sự nghiệp làm báo của mình.

Nhà báo lão thành Hartmut Scherster. (Nguồn: FIFA)

Vì tình yêu với môn bóng đá, ông Hartmut Scherster, nay đã 84 tuổi, vẫn miệt mài đưa tin về kỳ World Cup thứ 16 trong sự nghiệp làm báo của mình.

Khi còn là một cậu bé 12 tuổi sống ở Frankfurt (Đức), Hartmut Scherster được mệnh danh là "vua" của những nhà sưu tập chữ ký. Không một sự kiện thể thao lớn nào tại Đức mà Scherster bỏ lỡ. Không một ngôi sao nào Scherster muốn bỏ qua trong nỗ lực tìm kiếm chữ ký của họ.

Ngay cả các tạp chí địa phương cũng biết đến Scherster và hỏi ông về mọi thông tin thú vị ông có thể đã nghe được trên hành trình tiếp cận với các cầu thủ và đội bóng để chờ xin chữ ký.

Vì vậy, khi Scherster nộp đơn xin làm thêm ở một tờ báo địa phương trong thời gian nghỉ học kỳ, ông đã được chào đón. Một thế giới mới mở ra với Scherster, khởi đầu cho sự gắn kết của ông với giải đấu bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh - World Cup.

Qatar 2022 là kỳ World Cup thứ 16 liên tiếp của Scherster. Điều đó có nghĩa là trong suốt lịch sử giải đấu này, chỉ có 6 kỳ giải được tổ chức mà ông không tham dự trong vai trò của một nhà báo.

Lần đầu tiên ông Scherster tác nghiệp tại một kỳ World Cup là vào năm 1962 tại Chile - giải đấu nổi tiếng với "trận chiến Santiago," trận cầu giữa nước chủ nhà và đội tuyển Italy, với xung đột lên đến đỉnh điểm và cảnh sát đã phải can thiệp để dập tắt bạo lực sân cỏ.

Thời thế lúc đó rất khác. Trọng tài của trận đấu được cho là đã phát minh ra thẻ đỏ và thẻ vàng như một cách để hạn chế hành vi xấu của cầu thủ trên sân khi đó.

Môi trường cho các nhà báo ngày nay và khi đó cũng rất khác nhau. Khi Scherster tới Chile với tư cách là một phóng viên 24 tuổi cho hãng thông tấn quốc tế UPI, ông phải tìm một hộp điện thoại công cộng để gọi về cho tòa soạn, đọc chính tả bài viết hay đoạn tin của mình để người viết tốc ký ghi lại vào cuối ngày.

Các khu vực dành cho báo chí hay họp báo sau trận đấu, được coi là tiêu chuẩn cần có trong sân bóng ngày nay, không tồn tại vào những năm 1960. Hồi đó, các nhà báo như ông Scherster sẽ đi lang thang vào phòng thay đồ và trò chuyện với các ngôi sao để phỏng vấn họ. Những cuộc nói chuyện này sau đó đã làm nảy sinh một vài tình bạn lâu dài.

Ông Scherster nói: "Ngày nay, các ngôi sao vẫn tỏa sáng như thế nhưng cách truyền thông thì hoàn toàn khác. Họ có trang mạng xã hội của riêng mình. Bạn không cần phải gặp để phỏng vấn họ nữa, họ sẽ cho bạn câu trả lời thông qua Twitter."

Có khoảng 12.000 nhân viên truyền thông đang làm việc tại Qatar cho World Cup 2022, gần như bằng dân số của một thị trấn lớn. Họ được bố trí khu vực riêng ở sân vận động, phương tiện làm việc tại phòng truyền thông và phương tiện đi lại. Chính trong những phòng làm việc và trên những chiếc xe bus này, bạn có thể tình cờ gặp Scherster khi ông di chuyển từ sân vận động này sang sân khác để đưa tin.

[Đã xác định được 3 cặp đấu tại vòng tứ kết World Cup 2022]

Quay trở lại thập niên 60 của thế kỷ trước, ông Scherster nói rằng chẳng ai có thể tưởng tượng một ngày nào đó các phóng sự trên truyền hình hay đài phát thanh sẽ được quay bằng điện thoại di động và truyền trực tiếp tới mọi nơi trên thế giới. Ông nhấn mạnh: "Cả thế giới đã thay đổi trong 60 năm đó, kể cả bóng đá."

Theo ông Scherster, những thay đổi đó phần nào giải thích lý do tại sao đội bóng quê hương của ông - đội tuyển Đức - đã bị loại ngay vòng bảng ở hai kỳ World Cup liên tiếp.

Ông Scherster cho rằng công việc của các huấn luyện viên đội tuyển quốc gia ngày nay vất vả hơn rất nhiều khi các giải quốc nội không còn là lãnh địa của các cầu thủ nội. Quá trình quốc tế hóa của các giải đấu hàng đầu châu Âu - bao gồm cả Bundesliga của Đức - đã thay đổi cuộc chơi nhưng một số đội tuyển quốc gia đã không thể thích nghi.

Ông Scherster đã có mặt khi đội tuyển Anh vô địch World Cup vào năm 1966 trên sân nhà. Scherster nói đó là một trong những kỷ niệm quý giá nhất của ông.

Nhà báo này kể lại: "Năm 1966, sau trận chung kết giữa (Tây) Đức và Anh… vì tôi là thành viên của một trong những hãng thông tấn lớn trên thế giới nên chúng tôi được phép vào phòng thay đồ sau trận đấu. Tôi ngồi trên băng ghế trong phòng thay đồ với Franz Beckenbauer và chúng tôi đã nói chuyện với nhau. Lúc đó, ông ấy mới 20 tuổi, rất nhút nhát."

Scherster nhớ chính xác những gì "Hoàng đế sân cỏ" Franz Beckenbauer nói trong phòng thay đồ sau trận thua ở chung kết World Cup.

Ông ấy nói: "Tất nhiên là chúng tôi thất vọng nhưng tôi nghĩ mình đã có một trận đấu hay với Bobby Charlton. Huấn luyện viên của chúng tôi đã yêu cầu tôi chỉ chăm sóc Bobby Charlton, anh ấy là một cầu thủ tuyệt vời."

Beckenbauer sau này là đội trưởng của Tây Đức, dẫn dắt đội đến thành công tại World Cup 1974. 16 năm sau, trong vai trò huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, ông đưa đội tuyển Đức lần thứ 3 vô địch giải đấu tại Italy 1990.

Ông Scherster đã chứng kiến tất cả. Nhà báo kỳ cựu này như một kho lưu trữ di động khổng lồ, đã lập biểu đồ về quá trình của các ngôi sao khi họ trỗi dậy rồi lụi tàn: Hôm qua là Beckenbauer và Charlton, hôm nay là Cristiano Ronaldo, Lionel Messi và Kylian Mbappe.

Hầu hết những phóng viên trong phòng truyền thông đều trẻ hơn ông Scherster hàng chục tuổi, chỉ ở bậc cháu của ông. Không có nhiều người có khả năng tiến đến gần kỷ lục đưa tin ở World Cup của nhà báo người Đức.

Ông Scherster cũng chưa có ý định nghỉ hưu. Khi được hỏi về điều này, ông nói: "Bởi vì tôi yêu bóng đá và tôi yêu World Cup. Tôi tiếp tục làm việc, điều ấy giúp tôi khỏe mạnh và tôi thích vậy. Những người khác ở độ tuổi của tôi đi trên một con tàu mơ ước, trong một kỳ nghỉ du lịch vòng quanh thế giới, còn tôi đi xem World Cup"./.

Khánh Đan (TTXVN/Vietnam+)