11 mẹo hữu hiệu chống lại sự ẩm ướt khó chịu trong những ngày mưa nồm

Đóng kín cửa, sử dụng máy hút ẩm, đặt một số loại cây xanh trong nhà, đốt nến thơm hoặc tinh dầu... và nhiều mẹo khác sẽ giúp không gian nhà bạn luôn khô ráo, thơm tho trong những ngày mưa nồm ẩm ướt.

Nồm ẩm không chỉ làm hư hại đồ vật mà còn ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe. (Ảnh minh họa: iStock)

Nồm là một hiện tượng thời tiết phổ biến ở các tỉnh Bắc Bộ, xuất hiện vào khoảng từ tháng Hai đến tháng Tư dương lịch với nhiều đợt nồm ẩm khác nhau. Có đợt kéo dài vài ba ngày nhưng cũng có đợt kéo dài cả tuần.

Nồm xảy ra khi độ ẩm quá cao, lên đến 90%, làm cho nước trong không khí ngưng tụ và đọng lại trên các bề mặt mà chúng có thể bám vào, gây nên sự ẩm ướt, bết dính khó chịu.

Vào những ngày trời nồm, nhà cửa thường ướt át, trơn trượt, nhất là các khu vực như nền nhà, cầu thang, cửa kính... Quần áo phơi nhiều ngày không khô; chăn, ga, gối, đệm sờ vào có cảm giác ẩm ướt, các đồ điện tử như máy tính, tivi khó bật nguồn và dễ bị chập cháy do dính hơi nước, thực phẩm nhanh bị ôi thiu.

Trời nồm khi kèm theo mưa phùn khiến không khí rất bí bách khó chịu, nấm mốc, vi khuẩn sinh sôi kèm mùi hôi khó chịu.

Nồm ẩm không chỉ làm hư hại nhà cửa, đồ vật mà còn khiến cơ thể mệt mỏi, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, phế quản cấp. Nguy cơ mắc các bệnh về da, viêm nhiễm vùng kín do quần áo ẩm, nấm mốc có môi trường phát triển.

Thời tiết nồm ẩm ở miền Bắc diễn ra vào mùa Xuân (khoảng tháng 2-4 dương lịch. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Hiện tượng thời tiết này chỉ chấm dứt hoặc thay đổi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về.

Để hạn chế những ảnh hưởng không mấy dễ chịu của hiện tượng thời tiết này, có một số nguyên tắc và phương pháp chống nồm khá hiệu quả mà chúng ta có thể áp dụng.

Không mở cửa, không bật quạt

Khi có dấu hiệu nồm ẩm, việc đầu tiên bạn cần làm là đóng kín hết tất cả các cửa, bịt kín tất cả các kẽ hở trong nhà bằng bằng giấy báo, băng dính để ngăn hơi ẩm từ bên ngoài xâm nhập vào trong nhà.

Không sử dụng quạt để hong khô bởi hơi gió từ quạt thổi ra không thể làm bay hơi nước trong phòng đã bị đóng kín mà ngược lại, càng làm cho không khí ẩm ngưng kết mạnh hơn, nước càng đọng nhiều hơn.

Lau nhà và các bề mặt bằng khăn khô

Trời nồm làm sàn nhà và các bề mặt bị đọng sương, vô cùng ẩm ướt. Hãy chuẩn bị những chiếc khăn khô để loại bỏ nước đọng. Tuyệt đối không lau bằng khăn ướt sẽ càng làm các bề mặt ướt át hơn.

Lau sàn nhà bằng khăn khô. (Ảnh: iStock)

Sử dụng vật liệu hút ẩm

Vôi sống, than củi và báo cũ là các vật liệu hút ẩm khá tốt. Bạn chuẩn bị khoảng 10-15kg vôi sống rồi cho vào các thùng giấy hoặc gỗ đặt ở nhiều nơi trong nhà để hút bớt hơi nước trong không khí.

Than củi cũng hút ẩm tốt, bạn cũng xếp than củi vào các hộp nhỏ rồi đặt rải rác nhiều nơi trong nhà.

Với báo cũ, bạn có thể đặt cạnh thảm chùi chân cửa ra vào, phòng tắm… tuy nhiên cách này chỉ là tạm thời, áp dụng trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, bạn có thể mua các hộp, túi hút ẩm ở siêu thị đặt trong các ngăn tủ hoặc góc phòng. Các hạt hút ẩm chứa gel silica có tác dụng hấp thụ hơi nước, hỗ trợ làm khô bề mặt sản phẩm.

Trồng cây xanh trong nhà

Các chuyên gia trong lĩnh vực làm vườn cho biết một số loại thực vật như thường xuân, lan ý, bạc hà, dương xỉ, thiết mộc lan, cây đuôi công… khi trồng trong nhà không chỉ giúp làm đẹp không gian, lọc không khí mà lá của chúng còn có khả hấp thụ độ ẩm dư thừa trong không khí rất tốt.

Theo ghi nhận, ở những khu vực đặt các loại cây này, lượng bào tử nấm và vi khuẩn giảm 40-60%.

Bật điều hòa ở chế độ khô (Dry)

Nếu nhà bạn có điều hòa, hãy bật chế độ khô (Dry) để hút ẩm. Ở chế độ này, điều hòa sẽ hoạt động tương tự với máy hút ẩm. Thay vì cho ra luồng không khí lạnh như chế độ Cool, chế độ Dry sẽ giúp làm khô không khí, hạn chế độ ẩm quá cao khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn.

Tuy nhiên, phương pháp này không nên sử dụng lâu vì chế độ khô của điều hòa sẽ gây khô da và khá tốn điện năng.

Bật điều hòa ở chế độ khô để căn phòng khô ráo trong những ngày ẩm ướt. (Ảnh: Bích Hằng/Vietnam+)

Sử dụng máy hút ẩm

Máy hút ẩm là một trong những phát minh chống nồm ẩm trong nhà hiệu quả nhất bởi cơ chế hoạt động của nó không chỉ hút hơi nước dư thừa mà còn mang đến bầu không khí trong lành.

Máy hút ẩm có thể sử dụng trong thời gian dài, giúp không gian khô thoáng, sàn nhà không còn đổ mồ hôi, các bề mặt không còn tình trạng đọng hơi nước và ngăn chặn vi khuẩn nấm mốc sinh sôi, phát triển

Ngoài ra, hơi gió của máy thổi ra có thể sấy khô quần áo.

Đốt nến, tinh dầu thơm

Ngọn lửa nhỏ của nến có thể đốt cháy các phân tử gây mùi ẩm mốc, khó chịu trong căn nhà của bạn vì khi đốt nến, các phân tử mùi chịu tác động sẽ bay lên cao tạo thành một áp suất khiến các phân tử khác di chuyển lại gần ngọn nến.

Quá trình ấy sẽ khiến cho không khí được tuần hoàn và thông thoáng hơn.

Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các tinh dầu có mùi thơm dễ chịu như chanh, sả, quế, bạc hà, lavender... vừa khử mùi ẩm mốc, vừa giúp thư giãn.

Nến và tinh dầu có tác dụng khử mùi ẩm mốc, mang lại không gian thư giãn. (Ảnh: iStock)

Khử khuẩn cho đồ dùng bằng nước nóng

Những đồ dùng gia đình bằng tre, gỗ như đũa, thìa, bát, thớt... rất dễ bị mốc trong những ngày nồm ẩm. Vì vậy, bạn hãy tráng chúng bằng nước nóng sau khi rửa sạch để chúng nhanh khô ráo, đảm bảo vệ sinh.

Nếu nhà bạn có máy sấy bát đũa hoặc máy rửa bát thì việc khử khuẩn các đồ dùng càng dễ dàng.

Giặt, sấy quần áo

Nếu có điều kiện, bạn nên sắm một chiếc máy sấy quần áo hoặc máy giặt sấy. Các thiết bị này là trợ thủ đắc lực cho gia đình bạn trong mùa nồm và mùa mưa bão.

Nếu nhà bạn không có các thiết bị trên thì nên hạn chế giặt quần áo. Một bí quyết giúp quần áo nhanh khô trong mùa nồm là hãy phơi ngược chiều để phần nặng của quần áo (cổ áo, cạp quần) xuống phía dưới.

Trước khi gấp quần áo vừa rút trên dây phơi hãy làm khô tiếp bằng bàn là, bạn sẽ thấy hơi nước còn khá nhiều trong quần áo.

Để thiết bị điện tử ở chế độ chờ

Trong những ngày độ ẩm quá cao, bạn hãy cắm các thiết bị điện tử trong nhà như tivi, loa, máy tính... để ở chế độ chờ.

Ngoài ra, bạn cũng nên duy trì hoạt động của các thiết bị một vài tiếng mỗi ngày bởi khi hoạt động, cơ chế tỏa nhiệt của chúng sẽ giúp tự sấy khô và làm nóng linh kiện bên trong.

Bảo quản sách báo, tài liệu trong tủ kính

Tủ kính đóng kín giúp ngăn chặn hơi ẩm tốt hơn tủ gỗ. Bạn nên cất những tài liệu quan trọng và sách báo lâu ngày không sử dụng trong tủ kính để ngăn chặn hơi nước khiến chúng nhanh hỏng./.