1 triệu ha lúa chất lượng cao: Sóc Trăng xây dựng 72.000ha vùng chuyên canh
Để thực hiện Đề án Phát triển Bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, Sóc Trăng đăng ký tổng diện tích lúa chất lượng cao giảm phát thải thấp đến năm 2030 của tỉnh là 72.000ha.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Đề án Phát triển Bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch trong năm 2024-2025 sẽ xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao trên diện tích 38.500ha và từ năm 2025-2030 sẽ mở rộng thêm khoảng 33.500ha để đạt tổng diện tích 72.000ha.
Thực hiện đề án này, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai canh tác lúa theo quy trình chất lượng cao trên địa bàn của 9 huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Mỹ Tú, Kế Sách, Long Phú, Châu Thành, Trần Đề, thị xã Ngã Năm và thành phố Sóc Trăng.
Tổng diện tích lúa chất lượng cao giảm phát thải thấp đến năm 2030 của tỉnh là 72.000ha là diện tích tỉnh đã đăng ký tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đề án sẽ tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao tại các huyện đã đăng ký tham gia đề án; quá trình thực hiện sẽ áp dụng các gói theo quy trình kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho hộ dân và tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp. Cùng đó, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh lúa; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; xúc tiến thương mại, liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa nâng cao chuỗi giá trị…
Theo ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại tỉnh Sóc Trăng nhằm mục tiêu hình thành và phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững.
Từ đó, gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Thúc đẩy hình thành và phát triển ổn định các hợp tác xã, đóng góp quan trọng vào chuỗi liên kết lúa gạo trên địa bàn tỉnh.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng, cho biết: Thực hiện mục tiêu đề án này, Sóc Trăng có thuận lợi là trong những năm gần đây đã triển khai thực hiện tốt việc mở rộng diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại với diện tích đạt trên 90% tổng diện tích gieo trồng lúa của tỉnh và cho sản lượng lúa đặc sản, lúa thơm các loại chiếm 93% trong tổng số hơn 2 triệu tấn lúa của tỉnh năm 2023.
Một số giống lúa gieo trồng chủ yếu tại địa bàn tỉnh có chất lượng cao như lúa ST24, ST25 (lúa có gạo 2 lần được công nhận ngon nhất thế giới vào năm 2019 và 2023), giống lúa Tài nguyên, giống RVT, Đài thơm 8… đều là loại lúa gạo thơm, lúa đặc sản có chất lượng, giá trị cao trên thị trường.
Riêng xuất khẩu gạo năm 2023 của tỉnh Sóc Trăng đạt giá trị 450 triệu USD, chiếm gần 10% giá trị xuất khẩu gạo của cả nước./.