Tiền Giang: Đề ra 05 nhiệm vụ trọng tâm của ngành tuyên giáo trong năm 2022
Chiều 30/12/2021, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022.
Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Châu Thị Mỹ Phương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đỗ Tấn Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Thanh Nguyên - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND nhân dân tỉnh; Nguyễn Văn Mười - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong khối tư tưởng - văn hóa, khoa giáo; đại diện Thường trực cấp ủy huyện (tương đương), đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo cấp huyện (tương đương); Ban Tuyên giáo (Tuyên huấn) các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; tập thể và cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW; tập thể và cá nhân đạt giải Giải Báo chí về Xây dựng Đảng cấp tỉnh (Búa liềm vàng) năm 2021, đại diện Cơ quan thường trú BáoNhân dân, Thông tấn xã Việt Nam tại Tiền Giang; phóng viên báo, đài đến dự và đưa tin.
Trong năm 2021, Tuyên giáo Tiền Giang đạt được nhiều kết quả quan trọng, được thể hiện tóm tắt qua 10 nội dung: (1) Ngành Tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò tham mưu trên mặt trận tư tưởng của Đảng, góp phần giữ vững, ổn định chính trị - xã hội. (2) Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận chính trị. (3) Thực hiện tốt vai trò tham mưu cấp ủy trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từng bước đã trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội. (4) Tiếp tục đổi mới, nâng cao tính kịp thời, sắc bén trong công tác nắm, phản ánh tư tưởng, dư luận xã hội và công tác đấu tranh chống thông tin xấu, độc, sai trái, thù địch. (5) Tăng cường định hướng thông tin, tuyên truyền, báo chí - xuất bản, thông tin đối ngoại. (6) Hoạt động văn hóa - văn nghệ diễn ra đúng định hướng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân. (7) Công tác nghiên cứu, giáo dục lịch sử Đảng tiếp tục được chú trọng. (8) Công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực khoa giáo đạt được nhiều kết quả tích cực. (9) Công tác phối hợp giữa ngành Tuyên giáo và các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư pháp cùng cấp tiếp tục được thực hiện tốt, nghiêm túc, hiệu quả, cấp tỉnh: HĐND - UBND tỉnh; Tỉnh Đoàn - Liên hiệp Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh - Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh - Tòa án tỉnh; cấp huyện: Ban Tuyên giáo cấp huyện, cơ quan quản lý Nhà nước. (10) Việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực tham mưu cho đội ngũ cán bộ Tuyên giáo được quan tâm, chú trọng.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Châu Thị Mỹ Phương - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm năm 2022 như sau:
Một là, công tác thông tin, tuyên truyền cần phát huy những kết quả tốt đạt được trong năm qua và những kinh nghiệm hay. Nghiêm túc nhìn nhận và khắc phục những tồn tại, hạn chế với những giải pháp cụ thể, khả thi. Đồng chí đề nghị thời gian tới, về ý nghĩa, để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Nhà nước thì cán bộ, đảng viên, Nhân dân cần hiểu đúng, nhận thức tốt, cùng chung tay, đồng thuận trong thực hiện và đó cũng là mục đích, kết quả của công tác thông tin, tuyên truyền. Để thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền cần phải đi trước một bước, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mọi người, tạo đồng thuận, đoàn kết toàn dân. Tập trung tuyên truyền khát vọng vươn lên và ý chí, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; tuyên truyền những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; tập trung tuyên truyền có hệ thống bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”; tuyên truyền các chủ trương, biện pháp và kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; chủ động đấu tranh, phản bác có hiệu quả với những quan điểm sai trái, thù địch, thông tin sai trái, tăng cường việc đưa tin chính thống đến với người dân; tuyên truyền mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt việc tốt, tạo lan tỏa trong xã hội. Về phương pháp: Đổi mới phương thức tuyên truyền đa dạng, hiệu quả, kịp thời; thông qua Báo - Đài, phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền miệng thông qua lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên; mạng xã hội; mạng viễn thông, điện thoại. Nội dung tuyên truyền phải cụ thể, ngôn từ trong sáng, dễ hiểu, ngắn gọn, phù hợp từng đối tượng, cần khắc phục tình trạng nói dài, nói huyên thuyên, kết quả cuối cùng người nghe không nhớ được gì.
Hai là, công tác báo chí yêu cầu thông tin phải nhanh (nhạy bén, kịp thời) đầy đủ, chính xác và theo hướng tích cực. Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình là tiếng nói của Đảng bộ, của chính quyền và nhân dân Tiền Giang nên các đơn vị cần gắn liền hai nội dung, thông tin tuyên truyền; thực trạng, định hướng; đích đến là tạo sự đồng thuận, hưởng ứng, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Báo chí phải đi trước để định hướng, đi cùng trong quá trình thực hiện, đi sau để tổng kết. Báo chí phải khơi dậy được tình cảm, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước. Đồng chí đề nghị Hội Nhà báo cần quán triệt đến hội viên, các nhà báo; quan điểm nhà báo vừa là một công dân, vừa là một chiến sĩ. Với vị trí là một công dân thì hướng đến của nhà báo phải vì đất nước, quê hương; là một chiến sĩ phải trung thành với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với Đảng, Nhà nước; phải tiên phong, không ngại khó; đồng thời phải bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ, chính quyền địa phương. Đề nghị các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ quan báo chí trong tỉnh quán triệt và chỉ đạo, quản lý phóng viên của mình thực hiện tốt đạo đức nghề, trong tác nghiệp điều gì chưa rõ, chưa chính xác thì không viết, điều gì không có lợi cho sự phát triển của địa phương, đất nước thì không nên đưa tin.
Ba là, đối với công tác khoa giáo, cần có sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là quan tâm lực lượng cán bộ làm Tuyên giáo. Có thể nói, công tác khoa giáo liên quan đến từng người, từng nhà. Nếu cấp ủy hiểu và quan tâm đúng mức cho công tác khoa giáo thì chất lượng công tác khoa giáo mới nâng cao. Đối với Ban Tuyên giáo cấp ủy huyện, cần tăng cường hơn nữa công tác khoa giáo, chú trọng trong phân công cán bộ, cán bộ làm công tác khoa giáo phải am hiểu sâu sắc lĩnh vực mình phụ trách, nhất là quan điểm của Đảng trên các lĩnh vực khoa giáo. Lưu ý, nhiệm vụ của Ban Tuyên giáo cấp ủy huyện trong công tác khoa giáo của Đảng là tham mưu và giúp cho cấp ủy theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo các vấn đề cơ bản theo định hướng, quan điểm của Đảng, nghị quyết của Đảng chứ không can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn của từng lĩnh vực. Theo dõi việc triển khai thực hiện nghị quyết trên lĩnh vực khoa giáo, nắm tình hình, nhận định, đánh giá việc thực hiện nghị quyết với thực tiễn đang đặt ra; tham mưu nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy về các lĩnh vực liên quan và theo dõi quá trình thực hiện; tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, kết luận,…
Bốn là, công tác lịch sử Đảng: Trong năm 2022, tiếp tục triển khai và thực hiện tốt Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư. Đề nghị các trung tâm chính trị, Trường Chính trị tỉnh thực hiện tốt việc đưa lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành trong phần liên hệ tình hình ở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, nhất là các lớp sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị. Sở Giáo dục và Đào tạo đưa nội dung giáo dục lịch sử địa phương vào giảng dạy tại các trường thông qua nhiều hình thức như giảng dạy lồng ghép trong giờ chính khóa, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.
Năm là, công tác giáo dục lý luận chính trị: Giáo dục lý luận chính trị là một phần quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Cần có giải pháp khắc phục việc lười học lý luận chính trị, học cho có lệ, học để đạt chuẩn. Do đó, Trường Chính trị và trung tâm chính trị cần quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục lý luận chính trị, thực hiện nghiêm các quy định, chế độ kiểm tra, đánh giá trong học tập, các lớp đào tạo lý luận chính trị; nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên, báo cáo viên; quan tâm cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo thuộc diện cấp ủy quản lý./.