Thành phố Hồ Chí Minh: Tuyên truyền, phổ biến Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở
Ngày 08/8, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 391 điểm cầu cùng hơn 23.000 đại biểu tham dự.
Tại Hội nghị, thông tin về Luật Căn cước, lãnh đạo Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Luật có hiệu lực từ ngày 01/7, gồm 7 chương 46 điều. Trong đó, Luật quy định về giải thích từ ngữ để làm rõ một số thuật ngữ liên quan đến công tác quản lý nhà nước về căn cước như sinh trắc học; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam... Luật cũng quy định về quản lý, cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cũng như thực hiện Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc.
Luật Căn cước còn quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ, có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính…
Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Lãnh đạo Công an Thành phố thông tin, Luật đã quy định 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản của lực lượng này, như hỗ trợ nắm tình hình về an ninh trật tự; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự khi được điều động.
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở làm việc theo chế độ thường trực bảo đảm 24/24 giờ. Ban ngày tại điểm làm việc của Tổ bảo vệ an ninh trật tự để xử lý công việc; ban đêm ứng trực, tổ chức tuần tra canh gác; Công an cấp xã có trách nhiệm phân công ca làm việc của Tổ bảo vệ an ninh trật tự hợp lý, đảm bảo yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự và sức khỏe của thành viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự.
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Đề án của HĐND Thành phố Hồ Chí Minh, bố trí đủ 4.861 Tổ bảo vệ an ninh trật tự với 15.031 thành viên, đảm bảo kinh phí hoạt động, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các cấp ủy trực thuộc Thành ủy; Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; đội ngũ báo cáo viên các cấp và tuyên truyền viên cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố hiểu đúng, đầy đủ về 2 Luật kể trên./.