Thanh Hóa: Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên
Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, rà soát bổ sung chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; nghiên cứu xây dựng cơ chế đãi ngộ xứng đáng, kịp thời động viên, khen thưởng các điển hình tiên tiến làm tốt công tác tuyên truyền miệng…Đây là những giải pháp trọng tâm được ngành Tuyên giáo Tỉnh Thanh Hóa triển khai hiệu quả thời gian qua, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng.
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên tỉnh Thanh Hóa được nâng cao về nội dung và hình thức, thể hiện rõ vai trò góp phần thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong toàn Đảng bộ; tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh các phong trào thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025.
Nổi bật, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tham mưu Tỉnh ủy ban hành: Quy chế hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên của Đảng bộ tỉnh; Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa trong tình hình mới; Kết luận số 801-KL/TU ngày 20/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo xã, phường, thị trấn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030…; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện thống nhất, phát huy vai trò hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác tuyên truyền miệng.
Đội ngũ báo cáo viên được kiện toàn ở cả 3 cấp và thống nhất từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chú trọng năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật trong nói và viết; đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Trung ương. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.170 báo cáo viên các cấp (trong đó: 07 báo cáo viên cấp Trung ương, 60 báo cáo viên cấp tỉnh, 1.103 báo cáo viên cấp huyện và tương đương, 13.972 tuyên truyền viên các cấp). Cơ cấu đội ngũ báo cáo viên các cấp đa dạng, bao gồm các đồng chí cấp uỷ viên, cán bộ ban tuyên giáo các cấp, giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện và tăng cường các báo cáo viên của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên được các cấp ủy đảng quan tâm thực hiện thường xuyên. Hội thi Báo cáo viên giỏi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh đã thu hút đông đảo báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp tham gia, là đợt sinh hoạt chính trị, chuyên môn sâu rộng trong toàn Đảng bộ, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhất là kỹ năng giới thiệu, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; kỹ năng triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp cho đội ngũ báo cáo viên trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên được thực hiện nghiêm túc, bài bản qua việc ban hành Quy chế hoạt động cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; cấp thẻ báo cáo viên, thẻ dự hội nghị báo cáo viên và theo dõi việc tham dự hội nghị thông qua việc điểm danh, qua phiếu báo cáo viên; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên cấp mình, trên cơ sở đó đánh giá kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm, đồng thời chỉ đạo, định hướng nhiệm vụ công tác trong thời gian tiếp theo.
Nội dung, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên được đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả. Hội nghị báo cáo viên cấp cấp tỉnh được duy trì, đi vào nền nếp, định kỳ mỗi tháng một lần, tổ chức linh hoạt, kết hợp giữa hội nghị trực tiếp và trực tuyến, mở điểm cầu đến cấp huyện, cấp xã với số lượng điểm cầu lớn, số đại biểu tham dự đông. Các chuyên đề tại hội nghị được chuẩn bị kỹ lưỡng, nội dung đảm bảo toàn diện, có tính định hướng cao; tập trung về tình hình thời sự quốc tế, trong nước, trong tỉnh, những thông tin mới, thiết thực, nhất là những vấn đề được dư luận quan tâm. Hằng quý, tỉnh Thanh Hóa đều tổ chức hội nghị bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, mời báo cáo viên là các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, chuyên gia, nhà nghiên cứu có uy tín.
Các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên tổ chức hội nghị báo cáo viên cấp huyện; đồng thời tiếp sóng hội nghị trực tuyến từ điểm cầu của Trung ương, của tỉnh định kỳ mỗi tháng một lần. Các đơn vị chú trọng bố trí báo cáo viên phổ biến các chuyên đề theo đúng năng lực, sở trường; mở rộng các thành phần dự hội nghị để tăng hiệu quả tuyên truyền. Một số huyện, thị xã, thành phố có nhiều đổi mới trong tổ chức hội nghị báo cáo viên như: Tổ chức theo cụm; mời báo cáo viên Trung ương là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học; tổ chức cho báo cáo viên và đại biểu đi tham quan thực tế tại một số khu di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, thăm các điển hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo điều kiện cho báo cáo viên, tuyên truyền viên tiếp cận nhanh chóng, chuyên sâu các chuyên đề, đảm bảo tính thời sự, định hướng và nâng cao năng lực, kinh nghiệm công tác.
Các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Thanh Hóa và đoàn thể cấp tỉnh tổ chức hội nghị báo cáo viên với hình thức linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đặc thù của đơn vị. Các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị báo cáo viên trực tiếp định kỳ mỗi tháng lồng ghép vào hội nghị giao ban triển khai nhiệm vụ của đảng uỷ hoặc các đoàn thể chính trị.
Việc biên soạn, cung cấp tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền miệng được thực hiện bài bản. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy duy trì tốt việc biên tập, phát hành 12 số/năm bản tin “Thông báo nội bộ” (mỗi tháng 15.950 cuốn) và “Tài liệu tham khảo đặc biệt” (mỗi tháng 1.950 cuốn), cấp cho các địa phương, đơn vị đế cung cấp kịp thời thông tin chính thống, đầy đủ về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thông tin đa chiều, toàn diện về tình hình thể giới, trong nước, trong tỉnh. Ban tuyên giáo các cấp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp các văn bản, đề cương tuyên truyền, tài liệu tham khảo gửi qua nhóm zalo, email cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Ngoài những tài liệu do tỉnh cung cấp, nhiều huyện, thị xã, thành phố đã biên soạn, phát hành Bản tin nội bộ hằng tháng, hằng quý của địa phương phục vụ công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở.
Cấp ủy các cấp quan tâm nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật theo hướng hiện đại, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền miệng. Hằng năm, các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất các Trung tâm hội nghị, Trung tâm Chính trị cấp huyện và Trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn, nhất là các thiết bị bảo đảm âm thanh, ánh sáng, máy vi tính, máy chiếu, tivi... Các huyện, thị xã, thành phố đã đầu tư phòng họp trực tuyến cho 100% xã, phường, thị trấn; một số địa phương đã kết nối họp trực tuyến tới nhà văn hóa thôn, khu phố. Chế độ phụ cấp trách nhiệm đối với báo cáo viên các cấp được thực hiện đúng quy định. Một số địa phương có cách làm sáng tạo, vận dụng linh hoạt mức trợ cấp cho báo cáo viên, tuyên truyền viên nên đã kịp thời động viên đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên
Có thể khẳng định trong thời gian qua, các cấp uỷ đảng luôn xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Thanh Hóa và cấp ủy các cấp, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của Đảng bộ tỉnh ngày càng nền nếp, hiệu quả, từng bước đáp ứng nhiệm vụ công tác tư tưởng trước yêu cầu mới.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền viên trong tình hình mới, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên. Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 05/2/2024 của Ban Bí thư về công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới; lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng, quản lý hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng.
Hai là, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ngang tầm nhiệm vụ. Tập trung rà soát, củng cố đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp theo hướng tinh gọn, chất lượng, có cơ cấu, số lượng phù hợp với quy mô, đặc thù, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; lựa chọn những đồng chí có phẩm chất, kiến thức chuyên môn, kỹ năng tuyên truyền miệng và có uy tín trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền miệng của các cấp ủy và từng báo cáo viên. Tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị; chú trọng cập nhật kiến thức mới, các kỹ năng, phương pháp giải quyết tình huống trong hoạt động tuyên truyền miệng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động tuyên truyền miệng theo hướng phát huy ưu thế, thực sự nhanh nhạy, sắc bén, hiệu quả trong cung cấp thông tin, phù hợp với trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân; định hướng dư luận và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Duy trì và nâng cao chất lượng các hội nghị báo cáo viên định kỳ; triển khai linh hoạt, hiệu quả các phương thức cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên; tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở cơ sở, phản ánh kịp thời và đề xuất giải pháp phù hợp.
Bốn là, tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, rà soát bổ sung chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Nghiên cứu xây dựng cơ chế đãi ngộ xứng đáng, kịp thời động viên, khen thưởng những báo cáo viên, tuyên truyền viên có thành tích xuất sắc, những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền miệng./.
Lê Văn Trung
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa