Phát huy hiệu quả công cụ tuyên truyền mạng xã hội

Ngày 12/7, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trong tình hình mới”.

Các đồng chí chủ trì Toạ đàm.

Thời gian qua, Hội Nông dân TP Hồ Chí Minh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, nhất là tổ chức học tập, quán triệt Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư (Khóa X) về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới về những nội dung cốt lõi của Chỉ thị.

Các cấp hội nông dân trên địa bàn thành phố luôn chú trọng phản ánh tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở… Hình thức tuyên truyền thông qua các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, lịch sử, sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ; tuyên truyền qua các chuyên mục, trang website Thông tin điện tử của Hội Nông dân Thành phố, các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, Fanpage…), livetream, bản tin Vành Đai xanh, các tờ tin cơ sở…

Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại Toạ đàm.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu thống nhất cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp nhận thông tin của mọi đối tượng, từ đó, tác động trực tiếp đến công tác tư tưởng nói chung, công tác tuyên truyền miệng nói riêng. Việc đổi mới cách thức hoạt động của đội ngũ tuyên truyền viên - lực lượng chủ yếu tiến hành công tác tuyên truyền miệng ở cơ sở là yêu cầu cấp thiết nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền trong bối cảnh hiện nay.

Hiện nay, việc sử dụng mạng xã hội như một công cụ tuyên truyền sẽ phát huy tối đa hiệu quả, không bị giới hạn về không gian và thời gian như các hình thức tuyên truyền khác như tổ chức tập huấn, tuyên truyền miệng… Mạng xã hội còn có tác động mạnh mẽ trong định hướng nhận thức, tư tưởng, tình cảm, hành vi của mỗi người. Có thể thông qua đó để mỗi cá nhân tự ý thức những việc họ làm và điều chỉnh hành vi của mình đúng quy định của pháp luật và chuẩn mực của văn hóa đạo đức.

1 số ý kiến cũng lưu ý công tác tuyên truyền phải đi vào vấn đề, nội dung và đối tượng cụ thể. Nội dung tuyên truyền cần phải có trọng tâm, trọng điểm thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ nói… gần gũi, thiết thực trong đời sống, để dễ dàng nhận thức được, nhận diện được và làm được. Cần gắn kết chặt chẽ tuyên truyền vận động với đối thoại, giải đáp thắc mắc đối với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm và có liên quan thiết thân đến đời sống hội viên, nông dân…/.