Những vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương phối hợp với Viện Khoa học tổ chức, cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức Hội thảo khoa học “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”.

Quang cảnh Hội thảo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các ý kiến đều khẳng định, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm là yêu cầu tất yếu đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới. Từ phương thức phát triển công cuộc đổi mới, đặt ra yêu cầu cần bảo vệ và phát triển những người tiên phong, dũng cảm vì đổi mới, sáng tạo.

Một số ý kiến đã phân tích động lực và trở lực của đổi mới, sáng tạo; chia sẻ kinh nghiệm triển khai một số mô hình, cách làm sáng tạo ở địa phương để khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Trên cơ sở lý luận và thực tiễn, các tham luận cũng đưa ra những giải pháp và đề xuất, kiến nghị để khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương khẳng định: Hội thảo khoa học có ý nghĩa thiết thực trong việc góp phần thực hiện Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị có kết luận chính thức bằng văn bản riêng đề cập rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung làm căn cứ, cơ sở để thực hiện nhất quán, thống nhất trong toàn Đảng, hệ thống chính trị và xã hội.

GS.TS. Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học Các cơ quan đảng Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Để chủ trương này đi vào thực tiễn, có chất lượng, hiệu quả, GS.TS Phùng Hữu Phú lưu ý cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục để thay đổi nhận thức, chuyển đổi tâm lý của cán bộ, đảng viên, nhân dân về những nội dung của Kết luận 14-KL/TW. Bên cạnh việc hoàn thiện, đồng bộ các văn bản của Đảng, Nhà nước có liên quan đến vấn đề này, cần nghiên cứu để nâng tầm hơn nữa nội dung Kết luận, làm cơ sở, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai thực hiện trong thực tiễn cuộc sống. Tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác cán bộ; đánh giá đúng cán bộ, từ đó bố trí, sử dụng cán bộ, nhất là người đứng đầu có vai trò quyết định để cán bộ có động lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tiếp tục xây dựng được tiêu chí cụ thể về đổi mới, năng động, sáng tạo đối với từng chức vụ lãnh đạo, chức danh nghề nghiệp, từng vị trí cán bộ…