Nghị quyết 19-NQ/TW: Tăng giống mới, hàm lượng công nghệ vào sản xuất lúa

Nghị quyết 19-NQ/TW: Tăng giống mới, hàm lượng công nghệ vào sản xuất lúa

Quảng Trị (TTXVN 23/9)

Lúa chất lượng cao là một trong số 6 cây trồng chủ lực, cùng với các cây trồng: cà phê, hồ tiêu, cao su, cây dược liệu, cây gỗ rừng trồng đã và đang được tỉnh Quảng Trị ưu tiên tập trung đầu tư sản xuất nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân.

Đây cũng là một trong những cách làm để cụ thể hóa việc đưa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, vào cuộc sống.          Khí hậu ở tỉnh Quảng Trị thường không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa nói riêng khi đầu vụ Đông Xuân thời tiết thường rét đậm; vụ Hè Thu thường gặp hạn hán vào đầu vụ, đến cuối vụ thì hay có mưa lũ. Do đó, các giống lúa ngắn ngày nhưng cho năng suất cao, chống chịu tốt với điều kiện khí hậu luôn được bà con nông dân quan tâm.Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị đã sản xuất thành công giống lúa ĐD2 vào vụ Hè Thu 2022. Mô hình sản xuất giống lúa mới này được thực hiện trên quy mô 50 ha với 200 hộ dân ở xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong tham gia. Theo Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị Phạm Xuân Tuyên, ĐD2 là giống lúa ngắn ngày, sản xuất được cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu, năng suất trung bình đạt 65 -70 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt gần 80 tạ/ha, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ khoảng 90 ngày, tỷ lệ gạo cao đạt từ 68 -70% với chất lượng tốt. Giống lúa này còn có ưu điểm như chịu rét tốt, cứng cây nên khả năng chống đổ ngã tốt, chống chịu tốt với bệnh bạc lá và đạo ôn.Ngoài bộ giống lúa chủ lực đang có như: HN6, Đài Thơm 8, Bắc thơm 7, An Sinh 1399, Bắc Thịnh, Thiên ưu 8; thời gian qua tỉnh còn đầu tư xây dựng nhiều mô hình sản xuất các giống lúa mới cho năng suất cao như: Hà Phát 3 có thời gian sinh trưởng 95 ngày, năng suất đạt 65 tạ/ha; lúa hữu cơ ST25 năng suất đạt 65 - 70 tạ/ha, giá lúa cao gấp đôi lúa bình thường.          Cùng với đưa giống mới vào sản xuất, việc ứng dụng công nghệ cao cũng được tỉnh rất chú trọng. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều bà con nông dân ở Quảng Trị sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực cho cánh đồng lúa. Ông Nguyễn Văn Quân, xã Hải Quế, huyện Hải Lăng chia sẻ: Ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho đồng lúa vừa giảm được nhiều công sức, vừa giúp tiết kiệm và tránh được tác hại của thuốc phun đối với sức khỏe bản thân.          Trong tháng 9/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị khác mở 2 lớp (mỗi lớp 12 học viên) đào tạo sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Đây là lần đầu tiên bà con nông dân ở Quảng Trị được tập huấn kỹ thuật sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật cho cây lúa. Trong 10 ngày được tập huấn, bà con nông dân được đào tạo về cách vận hành, điều khiển đường bay, chọn kiểu bản đồ đường bay… trên thiết bị bay không người lái để phun thuốc cho cây lúa.Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị, đơn vị đã bàn giao 10 thiết bị bay không người lái cho các địa phương quản lý sử dụng. Qua đó, tạo đột phá trong chuyển giao công nghệ hiện đại cho bà con nông dân, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người nông dân và tăng hiệu quả trong sản xuất lúa. Việc ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào sản xuất lúa ở Quảng Trị cũng đã được thực hiện ở nhiều khâu như: cấy lúa bằng máy, máy gặt đi liền với máy cuộn rơm; qua đó đã giảm bớt gánh nặng về chi phí và sức khỏe cho người nông dân.         Trong khi đó khâu bảo quản lúa sau thu hoạch ngày càng được quan tâm, giúp giảm thiệt hại, nhất là khi thu hoạch lúa vào mùa mưa. Hiện nay, Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị đã đầu tư xây dựng nhà máy sấy lúa ở huyện Hải Lăng với công suất 200 tấn/ngày. Theo đại diện nhà máy sấy lúa tại huyện Hải Lăng thuộc Công ty cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, lúa sau khi sấy đảm bảo chất lượng cao không bị mốc, mọc mầm hay phụ thuộc vào thời tiết, tỷ lệ thu hồi sau khi xay gạo cao hơn so với phơi thông thường.Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi Quảng Trị cũng có 8 lò sấy hoạt động 24/24 giờ, công suất sấy hàng trăm tấn lúa mỗi ngày. Ông Nguyễn Thanh Bình, xã Thanh An, huyện Cam Lộ cho biết, vào cuối vụ Hè Thu hàng năm trên địa bàn thường có mưa lũ. Do đó, lúa thu hoạch thường hay bị ướt, để lâu ngày sẽ mọc mầm rồi hư hỏng. Việc đầu tư xây dựng hệ thống các lò sấy lúa giúp người dân tránh được tổn thất khi thu hoạch lúa mà gặp mưa lũ. Ngoài ra việc đầu tư dây chuyền xay xát, đánh bóng lúa gạo, đóng gói sản phẩm, hệ thống nhà kho bảo quản lúa gạo… cũng đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng.Mỗi năm bà con nông dân ở tỉnh Quảng Trị sản xuất 2 vụ lúa với tổng diện tích khoảng 50.000 ha; trong đó, đã có khoảng trên 30.000 ha lúa chất lượng cao.  Theo Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, tỉnh đã xác định phát triển kinh tế dựa trên ba trụ cột chính: Công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp và dịch vụ - du lịch. Để nông nghiệp phát triển, tỉnh cơ cấu lại ngành này theo hướng hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế của từng vùng miền, địa phương; đẩy mạnh tích tụ đất đai, quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch tỉnh; xây dựng vùng nông nghiệp chuyên canh hàng hoá tập trung quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến./.

Nguyên Lý