Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới

Chiều 9/9, tại tỉnh Bạc Liêu, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Tỉnh uỷ Bạc Liêu tổ chức Tọa đàm “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” (khu vực phía Nam).

Quang cảnh Hội nghị

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bạc Liêu chủ trì Tọa đàm. Tham luận của các đại biểu nêu bật những kết quả kết quả trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên qua 15 năm thực hiện Chỉ thị Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư (Khoá X) về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”. 

Các đại biểu cũng tập trung phản ánh những khó khăn, hạn chế trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của báo cáo viên trong bối cảnh hiện nay; chia sẻ những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác tuyên truyền miệng, đồng thời đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền miệng.

Theo các đại biểu, trước những khó khăn và thách thức, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin, công tác tuyên truyền miệng phải đổi mới về nhiều mặt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin để kịp thời thông tin, định hướng tư tưởng trong các tầng lớp nhân dân. Trong thực hiện công tác tuyên truyền miệng, đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên cần đi sâu, đi sát để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó có thể hiểu rõ và có cách tuyên truyền hiệu quả.

Đại biểu cũng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm chế độ thù lao cho đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt ở cơ sở; thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu chính thống liên quan đến những vấn đề nóng, dư luận đặc biệt quan tâm để báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở thông tin nhanh, chính xác đến người dân. Đặc biệt, cần tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho lực lượng này để nâng cao chất lượng hoạt động.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận Tọa đàm.

Theo đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, tuyên truyền miệng là một trong những kênh thông tin quan trọng, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đây cũng là công tác góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng; là một trong những vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biển hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động. Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW, hoạt động tuyên truyền miệng ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, trong tình hình mới đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn để ngày càng thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá, các ý kiến phát biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế khi tiến hành công tác tuyên truyền miệng; đồng thời cung cấp những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác này. Các ý kiến đã phân tích sâu, trao đổi, thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức của công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên của ngành, địa phương và của cả nước trong bối cảnh xã hội “bùng nổ” thông tin hiện nay. Đây là cơ sở quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới./.