Làm tốt công tác chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Bộ Chính trị và Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khắc sâu ý nghĩa của sự kiện theo hướng đổi mới. Do đó, Lễ kỷ niệm phải hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, phục vụ người dân tốt nhất…

Chiều 5/12, Ban Chỉ đạo Trung ương các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước trong 3 năm 2023 - 2025 và Bộ Quốc phòng đã làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh về công tác chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì buổi làm việc. 

Quang cảnh buổi làm việc.

Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thành phố đã thành lập 5 tiểu ban triển khai đồng bộ các hoạt động, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm trong người dân về chủ đề tuyên truyền, ý nghĩa, mục đích của các hoạt động trong dịp này, xác định rõ vai trò trách nhiệm của Thành phố đã được Trung ương tin tưởng, giao nhiệm vụ. Nhiều hoạt động tiêu biểu sẽ diễn ra như:  Lễ dâng hương và tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, hội thảo khoa học cấp quốc gia và cấp thành phố, triển lãm chuyên đề, cầu truyền hình trực tiếp, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể thao chào mừng, tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước các cấp, các ngành… Đặc biệt, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ diễn ra vào ngày 30/4/2025. Hiện Thành phố đã thực hiện xong thiết kế phối cảnh chương trình Lễ kỷ niệm, đang lấy ý kiến về thiết kế các mô hình xe hoa diễu binh, diễu hành.

Đối với công tác chuẩn bị tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thành phần lực lượng tham gia gồm: Pháo lễ, không quân bay chào mừng, khối nghi trượng, lực lượng diễu binh (36 khối), lực lượng diễu hành khối quần chúng (10 khối), lực lượng khối văn hóa, thể thao, lực lượng đứng làm nền (15 khối)… Tổng số lực lượng tham gia diễu binh, diễu hành khoảng hơn 13.000 người và khối đứng khoảng hơn 1.500 người.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại buổi làm việc.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định, Đề án diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được chuẩn bị công phu, thông qua chặt chẽ với các cấp, chắc chắn sẽ đáp ứng sự mong đợi của các cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân đối với sự kiện trọng đại của đất nước. Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng khi tham gia khối diễu binh, diễu hành tại buổi lễ, Đại tướng Phan Văn Giang mong muốn các ban, bộ, ngành liên quan và Thành phố Hồ Chí Minh tích cực ủng hộ, tạo điều kiện để Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức diễu binh, diễu hành trong Lễ kỷ niệm.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo đã tổ chức thành công các sự kiện năm 2024. Đặc biệt là kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, để lại ấn tượng sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Hiện, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, năm 2025 là năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, trong đó có sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sự kiện này thể hiện khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất; cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và hiện nay đất nước hướng đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tổ chức lễ kỷ niệm, khắc sâu ý nghĩa của sự kiện theo hướng đổi mới. Lễ kỷ niệm phải hấp dẫn, an toàn, tiết kiệm, phục vụ người dân tốt nhất. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Thành phố Hồ Chí Minh cần hoàn thiện đề án tổng thể hoạt động kỷ niệm giữa tháng 12, gửi Ban Tuyên giáo Trung ương trình Ban Bí thư cho ý kiến. Riêng hoạt động diễu binh, diễu hành, cần lưu ý nghiên cứu thêm để làm đặc sắc hình ảnh 5 cánh quân tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Diễn văn cần phù hợp tình hình, bối cảnh công tác đối ngoại hiện tại. Hội thảo khoa học cấp quốc gia cần tìm chủ đề mới gắn với bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới…

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố nhận thức rõ về ý thức, trách nhiệm đối với sự kiện lịch sử, trọng đại này. Sự kiện không chỉ mang tầm vóc quốc gia mà còn có ý nghĩa lan tỏa xa hơn. Sự kiện 30/4/1975 là đỉnh cao của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là một trong những mốc son chói lọi nhất của lịch sử dựng nước và giữ nước. Thời điểm đó, cả đất nước bước vào kỷ nguyên thống nhất, hòa bình, độc lập, tự do và xây dựng. Sau 50 năm, đất nước tiếp tục bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đồng chí Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, mọi công việc liên quan đến sự kiện cần phải tương xứng với tầm vóc, trong đó lễ diễu binh, diễu hành là một trong những khâu quan trọng nhất của cả sự kiện. Các đơn vị thực hiện cần nghiên cứu tận dụng khai thác tối đa công nghệ để mọi người dân đều có thể thuận tiện theo dõi sự kiện này./.