Khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

Ngày 18/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam dự, chỉ đạo Hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng, đánh giá cao những kết quả ấn tượng, nổi bật mà Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo các địa phương đạt được trong năm 2023, đặc biệt nhấn mạnh tính hiệu quả của công tác nghiệp vụ, với thành công của Giải Báo chí Quốc gia, chương trình hỗ trợ Báo chí chất lượng cao, các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về báo chí số, công nghệ báo chí truyền thông và chuyển đổi số.

Để triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cấp Hội, các nhà báo và hội viên tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, cần được triển khai thực hiện thường xuyên, phù hợp với tình hình thực tiễn. Cần bám sát các chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, bám sát đời sống báo chí, xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông hiện đại để xây dựng chương trình hành động của từng năm, từng quý, từng tháng của Hội Nhà báo Việt Nam và từng cấp hội.

Hội Nhà báo các cấp cần định hướng các cơ quan báo chí bám sát thực tiễn sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, các vấn đề thời sự; phản ánh sâu sắc, sinh động hơi thở, nhịp đập của cuộc sống để có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng, khách quan, chân thực, có tính chiến đấu cao, giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc. Theo đó, mỗi tác phẩm báo chí phải là một thông điệp thuyết phục, tác động vào cả trí óc và trái tim công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Quang cảnh Hội nghị.

Cần thúc đẩy mạnh mẽ và quyết liệt hơn đổi mới, sáng tạo trong báo chí, tìm kiếm và triển khai các mô hình tòa soạn số với phương thức tổ chức, quản lý nhằm phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo của nhà báo, đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp hạn chế những bất cập, những nguy cơ khiến nhân lực và vật lực ngành báo chí bị ảnh hưởng tiêu cực bởi trí tuệ nhân tạo, robot và các công cụ số và các yếu tố kỹ thuật, công nghệ tiên tiến khác.

Hội Nhà báo cần khẩn trương xây dựng kế hoạch, đề án chuẩn bị tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam và các cấp Hội.

Đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng lưu ý, Hội cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát hội viên để khắc phục hiện tượng một số cấp Hội và cơ quan báo chí còn xảy ra vi phạm pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo; phải xử lý kỷ luật, thu hồi thẻ nhà báo, thẻ hội viên và khai trừ khỏi Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội Nhà báo các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện 10 Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc đối với hội viên, nhà báo khi tham gia mạng xã hội; phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”; đặc biệt với công tác quản lý hội viên là phóng viên cơ quan báo chí thường trú. Đồng thời, Hội triển khai hiệu quả, thực chất chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao; chú trọng nghiên cứu, tìm tòi, đổi mới để tiếp tục duy trì, khẳng định vị thế của Giải báo chí Quốc gia. Giải Báo chí Quốc gia phải là Giải uy tín, quan trọng nhất của báo giới cả nước.

Cuối cùng, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị Đảng đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thật tốt công tác chuẩn bị cho Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 12, nhiệm kỳ 2025 - 2030, từ việc xây dựng chương trình, kế hoạch, các dự thảo báo cáo chính trị, đề án nhân sự để xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm công tác tổ chức Đại hội diễn ra thành công.

Các đại biểu chụp ảnh chung.

Theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2023, Hội Nhà báo Việt Nam triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt và đạt hiệu quả cao trong công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở; xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh về tổ chức, chuyên môn, nghiệp vụ, kiểm tra giám sát và kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của hội viên, người làm báo.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành, Hội luôn bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước về công tác báo chí; chủ động đề ra chương trình công tác, kịp thời báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với hoạt động báo chí. Hội phát huy tinh thần đoàn kết, kỷ cương, đổi mới - sáng tạo, phát triển. Nhờ vậy, những sự kiện trọng tâm và nổi bật trong năm 2023 được tổ chức thành công, có hiệu quả; hoạt động của các cấp Hội ngày càng chuyên nghiệp, thiết thực và đi vào chiều sâu.

Cũng tại Hội nghị, đại diện các chi hội Nhà báo đã phát tham luận đánh giá một cách thực chất, khách quan những kết quả đã đạt được trong năm 2023 và rà soát việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Hội Nhà báo Việt Nam đã đề ra; nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, hoạt động Hội hiện nay trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia; việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025; đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới để tăng thêm tính hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo./.