Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”
Ngày 15/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Thân thế, sự nghiệp Ưu bà Phạm Thị Trân”. Dự Hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Đoàn Minh Huấn, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình.

Ninh Bình là vùng đất cổ linh thiêng, đầy huyền tích, huyền sử, bề dày lịch sử, văn hóa ngàn năm, đồng thời sở hữu rất nhiều di sản văn hóa nổi bật, cùng hệ thống danh lam, thắng cảnh đa dạng, phong phú và có gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể khác gắn với 3 triều đại Đinh - Tiền Lê - khởi đầu nhà Lý. Đặc biệt di sản nghệ thuật chèo gắn liền với thân thế, sự nghiệp của bà Phạm Thị Trân - người phụ nữ đầu tiên được vua Đinh Tiên Hoàng phong chức Ưu bà với nhiệm vụ dạy cho cung nữ, quân lính múa hát, đánh trống, gảy đàn, diễn tích trò. Sau khi bà mất, hậu thế đã suy tôn bà là bà tổ của loại hình sân khấu cổ truyền tiêu biểu nhất của Việt Nam - sân khấu Chèo.
Hội thảo là dịp để các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân trao đổi, phân tích, làm rõ một số vấn đề làm sáng tỏ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của Ưu bà Phạm Thị Trân, một trong những nhân vật lịch sử thời Đinh, đánh giá tầm quan trọng về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thể hiện qua thân thế, sự nghiệp của bà đối với nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung và nghệ thuật hát Chèo của Việt Nam nói riêng, đồng thời đề xuất phương hướng, giải pháp để ghi nhận, tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản Ưu bà Phạm Thị Trân trong việc xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Đảng ta luôn nhất quán quan điểm coi văn hóa, văn học, nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa - Nghệ thuật đã khẳng định được vị trí quan trọng trong việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng an ninh của đất nước.

Đánh giá cao việc tỉnh Ninh Bình tổ chức Hội thảo lần này, đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương khẳng định: Đây không chỉ là dịp để nghiên cứu, nhìn lại và tôn vinh một nhân vật lịch sử đặc biệt - người có đóng góp to lớn đối với nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc - mà còn là cơ hội để các đại biểu cùng nhau suy ngẫm về trách nhiệm trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cụ thể là trong lĩnh vực sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật Chèo.
Trong bối cảnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới với nhiều thời cơ và thách thức đan xen, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Đồng chí Huỳnh Thành Đạt đề nghị các các cấp, các ngành quan tâm một số định hướng trọng tâm: Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật; cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện; Tăng cường công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có nghệ thuật Chèo.
Đồng thời, xây dựng các chương trình, dự án có tính hệ thống, bền vững, đồng thời ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong công tác bảo tồn, truyền thông và phổ biển di sản; Khuyến khích sáng tạo nghệ thuật, tạo điều kiện cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa dân gian và văn hóa đương đại, để từ đó hình thành những tác phẩm sân khấu mới mang bản sắc Việt, có sức lan tỏa; Chú trọng công tác giáo dục văn hóa truyền thống trong trường học, giúp thể hệ trẻ hiểu, yêu và tự hào với di sản văn hóa của cha ông. Đẩy mạnh các hoạt động trải nghiệm, thi tìm hiểu các chương trình nghệ thuật cộng đồng nhằm lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc.
Đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cũng bày tỏ tin tưởng: với sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc của giới chuyên môn và toàn xã hội, các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có nghệ thuật sân khấu Chèo mà Ưu bà Phạm Thị Trân đã khai sáng sẽ tiếp tục được giữ gìn, phát huy và tỏa sáng trong đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.