Hội nghị Trung ương 6: Tạo đột phá mới cho sự phát triển của đất nước

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Bình, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 6) đã kết thúc thành công.

Cán bộ, đảng viên, người dân Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến Hội nghị bởi tầm quan trọng, ý nghĩa to lớn của những nội dung mà Hội nghị Trung ương 6 đã đưa ra.

Tạo động lực cho sự phát triển của đất nước

Tâm huyết với Nghị quyết sẽ được ban hành về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến 2030, tầm nhìn 2045, tiến sỹ Nguyễn Đình Bình, Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng đây là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng trong quá trình xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Thực tế sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những điều kiện, động lực cho quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tình hình mới đã vơi dần, không đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công trong chặng đường tiếp theo của quá trình đổi mới đất nước.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Bình, Nghị quyết sẽ là văn kiện quan trọng của Đảng nhằm đảm bảo sự thống nhất trong tư duy của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân về mục tiêu, nguồn lực, các chính sách ưu tiên và lộ trình của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong chặng đường tiếp theo.

Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược trong nhận thức và tổ chức hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân. Từ đây sẽ tạo ra những cách làm mới, cho phép phát huy hiệu quả nguồn lực trong nước, tận dụng tốt nhất các nguồn lực bên ngoài nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Nghị quyết sẽ góp phần tạo ra những điều kiện, động lực mới cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thông qua việc huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, dưới tác động của quá trình chuyển đổi số và nền kinh tế tri thức.

[Hội nghị Trung ương 6: Công tác kỷ luật của Đảng hợp lòng dân]

Thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh sự phát triển các ngành chế biến, chế tạo, kích thích khả năng đổi mới sáng tạo, phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên gắn với công nghiệp thông minh, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi số và sự tác động mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Đồng thời, Nghị quyết cũng sẽ là cơ hội để các cơ quan từ Trung ương đến địa phương rà soát lại quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đánh giá đúng tiềm năng, thế mạnh của mình, xác định rõ những thời cơ thách thức để xây dựng chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện của từng ngành, lĩnh vực…

Là giảng viên có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế-chính trị, tiến sỹ Nguyễn Đình Bình cho rằng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện thế và lực của đất nước có nhiều thay đổi và sự tác động mạnh mẽ của quá trình chuyển đổi số, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra những thời cơ lớn, đồng thời cũng đặt ra thách thức không nhỏ từ những vấn đề nội tại của đất nước và những vấn đề đặt ra của thời đại.

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Bình, để phát huy có hiệu quả nội lực, tận dụng tốt thời cơ, vượt qua những thách thức đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện đẩy mạnh công nghiệp, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; khuyến khích đầu tư phát triển các lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới.

Những bài học của hơn 35 năm đổi mới của đất nước cho thấy cần tiếp tục tăng cường đầu tư phát triển các tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện mới như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng công nghệ đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số và sự phát triển các các ngành công nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát triển khoa học-công nghệ theo hướng nâng cao hiệu quả huy động và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho khoa học công nghệ… để góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân

Đánh giá cao kết quả của Hội nghị Trung ương 6, thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Hội nghị đã ban hành Nghị quyết về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, trong đó nội dung của Nghị quyết có 5 ý lớn đều rất quan trọng.

Theo ông Nguyễn Đức Hiếu, thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và sự giám sát của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng và bảo đảm yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật là những vấn đề cấp bách cần được quan tâm triển khai ngay.

Là một chuyên gia nghiên cứu ngành luật hành chính-nhà nước, thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu đề xuất một số giải pháp cụ thể để góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp các cấp có thẩm quyền cần tập trung hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, nâng tầm cơ quan tòa án (là cơ quan bảo vệ pháp luật và công lý) trong thời kỳ mới và xây dựng chính quyền địa phương gắn liền với nhà nước pháp quyền.

Theo thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu, Hiến pháp năm 2013 quy định giữa các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực nhà nước nhưng mới chỉ coi trọng kiểm soát của quyền lập pháp đối với hành pháp và tư pháp thông qua giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của các cơ quan của Quốc hội. Cơ chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp hoạt động chưa thực chất, còn có biểu hiện hình thức.

Đặc biệt, vai trò của tòa án (tư pháp) trong thực hiện vai trò giám sát chưa phát huy được hết sức mạnh. Một biểu hiện là các cấp chính quyền địa phương, nhiều lãnh đạo cơ quan hành pháp chưa coi trọng các hoạt động bảo vệ pháp luật của tòa án trong việc tham gia và chấp hành các án hành chính. Việc này cần được thay đổi, đặc biệt đưa ra các chế tài cụ thể, ví dụ như trách nhiệm kỷ luật đối với những lãnh đạo cơ quan hành pháp không chấp hành quyết định của tòa án hành chính.

Các đại biểu dự bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa việc công khai minh bạch, tính chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu; tạo điều kiện hơn nữa cho các cơ quan giám sát ở cùng cấp được phát huy sức mạnh; tạo ra các diễn đàn cho người dân phát huy tính dân chủ và tiếp cận thông tin nhằm giám sát, phản biện các hoạt động lãnh đạo ở địa phương.

Thạc sỹ Nguyễn Đức Hiếu nhấn mạnh một trong những biện pháp cần làm ngay là nhanh chóng hoàn thiện tổ chức các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở địa phương, kết hợp với việc hoàn thiện quy định của pháp luật, tăng cường các chế tài (như chế tài kỷ luật, chế tài hình sự) tập trung vào các cấp chính quyền địa phương nhằm tạo đột phá cho cấp chính quyền này, góp phần vào sự phát triển của đất nước./.

Xuân Khu-Thành Chung (TTXVN/Vietnam+)