Hội nghị Báo cáo viên Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

 Sáng 12/5/2022, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 6/2022 thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII. Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực và đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội nghị.

Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối tới 4.097 điểm cầu trên cả nước, với 157.589 đại biểu tham dự.

Dự và chủ trì điểm cầu tỉnh, có các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư Thường trực các tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo các tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy; Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy, huyện ủy; lãnh đạo ban, sở, ngành các địa phương; báo cáo viên Trung ương của tỉnh, báo cáo viên cấp tỉnh và cấp huyện...

Tại Hội nghị, đại biểu được nghe đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 5 khóa XIIIđịnh hướng công tác tuyên truyền.

Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII diễn ra từ ngày 04 - 10/5/2022 tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị tập trung bàn 2 vấn đề lớn là: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, bao gồm 09 nội dung lớn. Hội nghị đã nghe đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét, thảo luận Tờ trình và Đề án của Bộ Chính trị; thống nhất ban hành Nghị quyết với tên gọi: "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Theo đó, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất đánh giá, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước…

Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất còn nhiều hạn chế. Một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hoá hoặc thể chế hoá chưa đầy đủ; Luật Đất đai và một số luật có liên quan còn có sự chồng chéo, chưa thống nhất. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch có sử dụng đất chưa bảo đảm tính tổng thể, hệ thống và đồng bộ…

Từ đó, Ban Chấp hành Trung ương xác định mục tiêu tổng quát là: Hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đất đai được huy động, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững; được quản lý với hiệu lực, hiệu quả cao; thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất, trở thành kênh phân bổ đất đai hợp lý, công bằng, hiệu quả; nguồn lực đất đai được vốn hoá, khai thác, phát huy cao nhất; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Trong đó, có mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030, là: Hệ thống pháp luật về đất đai được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hoá, ô nhiễm, suy thoái.

Ban Chấp hành Trung ương cũng xác định 06 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đó là, nông dân và người dân nông thôn văn minh phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, thông minh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, quy mô xuất khẩu nông sản đứng hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, điều kiện sống tiệm cận với đô thị, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.

Một nội dung quan trọng trong Hội nghị là Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Theo đó, mục tiêu tổng quát là: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững thực sự là nền tảng của nền kinh tế với nhiều mô hình liên kết, hợp tác trên cơ sở tôn trọng bản chất, các giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và nhiều tổ chức tham gia; không ngừng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống thành viên, hộ gia đình, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước. Tầm nhìn đến năm 2045: Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế hợp tác, bảo đảm chất lượng hoạt động ngang tầm phong trào hợp tác xã các nước trong khu vực và trên thế giới. Các hợp tác xã đều áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ; bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế hợp tác hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Đẩy mạnh phát triển mô hình liên đoàn hợp tác xã, mô hình doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức kinh tế hợp tác. Có ít nhất 3 tổ chức kinh tế hợp tác nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận.

Đồng chí Lại Xuân Môn thông báo một số nội dung quan trọng khác của Hội nghị Trung ương 5: Xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo các công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5 và một số nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII; Báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Hội nghị kết nối tới 4.097 điểm cầu

Tại Hội nghị, đồng chí Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới./.